“Cháu có tin tên gọi có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người không? Tên của chồng tôi có nghĩa là tấm huân chương ngát thơm và anh ấy đã sống cả cuộc đời thật xứng đáng với tên gọi của mình”. Bằng lời tâm sự như thế, bà Diệp Tú Anh bắt đầu kể những ký ức về người đồng chí, người chồng thương yêu – nhà báo, liệt sĩ Trần Huân Phương (tức Ba Hùng).
Sống “lão thật”
Cùng bị bắt vào năm 1955 vì hoạt động cách mạng, chúng tôi gặp nhau trong nhà lao của chế độ Mỹ - ngụy. Cả hai cảm phục, quý mến nhau vì tinh thần kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, cương quyết không khai báo nửa lời. Năm 1960, tôi được trả tự do trước. Sợ tôi ra ngoài lập gia đình với người khác, anh Phương nói thương tôi. Ba năm sau anh Phương ra tù, nhưng phải đến cuối năm 1964, chúng tôi mới có điều kiện làm lễ cưới ở vùng căn cứ Củ Chi.
Cưới xong, anh về công tác ở Báo Giải Phóng thuộc Trung ương Cục miền Nam, tôi cũng xuất giá tòng phu, nhận nhiệm vụ y tá kiêm Hội trưởng Hội Phụ nữ của báo. Con trai đầu lòng Trần Diệp Tuấn ra đời trong những tháng ngày yêu thương ấy. Tôi không sao quên được anh, vì sợ vợ con bị lạnh trong thời tiết cuối đông nên anh đào một lỗ ở dưới giường, đổ trấu xuống, nhét vài cục than hồng vào giữa. Anh âm thầm làm, không nói với vợ nên tôi cứ ngạc nhiên rằng sao chỗ nằm của hai mẹ con rất ấm áp. Sau này, thời tiết hết lạnh, tôi lật giường ra mới thấy và càng yêu anh nhiều hơn.
Với mọi người xung quanh, anh Phương cũng đều quan tâm và đối đãi bằng tấm lòng chân thật, xem đó là phương châm sống của mình. Tôi còn nhớ lần đầu từ nội thành vào chiến khu tìm anh. Đến nơi, hỏi anh Ba Hùng thì không ai biết, nếu là người Hoa thì chỉ có một người tên Ba Lão. Tôi hoang mang lắm, nghĩ anh Phương còn trẻ chứ có già đâu mà gọi là “lão”, nhưng cũng đánh liều đi gặp xem sao. Ai dè đúng là anh ấy thật. Tôi cự anh sao lại lấy tên như vậy, anh trả lời: “Ba lão nghĩa là tam lão. Lão là “lão thật” (tiếng Hoa, nghĩa là thật thà). Anh muốn làm một con người lão thật, nói một câu cũng lão thật, làm một việc cũng lão thật em à”. Và anh đã sống đúng như thế.
Anh không giữ lại cho riêng mình bất cứ thứ gì anh có được, ngay cả số tiền nhuận bút ít ỏi anh cũng dùng để mua đồ về nấu ăn cho mọi người, mặc dù nó rất cần thiết với cuộc sống của vợ con. Mỗi lần trong cơ quan có người bệnh, anh đều nhắc tôi thăm hỏi, chăm sóc.
Năm 1967, anh Phương và tôi được chuyển đến Ban Hoa vận R để vận động quần chúng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa Mậu Thân. Con trai mới 10 tháng tuổi, vợ chồng tôi phải gửi cháu sang Phnôm Pênh nhờ anh tôi nuôi dưỡng để nhận nhiệm vụ mới. Sau đó, tôi được phân công trở lại đô thành, còn anh ở lại căn cứ. Không ngờ đó là lần sau cuối vợ chồng nhìn thấy nhau.
Ngày 1-1-1968, anh hy sinh tại Xuân Lộc khi bom Mỹ rải trúng hầm trú ẩn, đến giờ vẫn không tìm được xác. Anh ra đi mà không biết rằng đứa con thứ hai Trần Diệp Dũng đang tượng hình trong bụng mẹ. Thương nhớ anh, yêu kính anh, tôi nén nỗi đau hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó và dốc lòng nuôi dạy hai con trai. Ngày giải phóng, trong niềm vui chung của đất nước, mẹ con tôi nhói lòng khi nghĩ về anh và càng quyết tâm sống vững vàng để anh yên lòng nơi chín suối. Giờ đây, các con tôi đã trưởng thành, học giỏi, thành đạt trong cuộc sống và rất có hiếu. Với mẹ con tôi, anh vĩnh viễn không bao giờ xa.
“Người quản gia” năng nổ
Trong thời kỳ chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng đời sống của những người làm báo ở tòa soạn Báo Giải Phóng vẫn được đảm bảo. Tất cả nhờ một tay nhà báo Trần Huân Phương tất tả ngược xuôi lo liệu.
Ông Đinh Phong, người từng công tác chung với nhà báo Trần Huân Phương nhớ lại: Năm 1964, khi tôi từ Hà Nội vào công tác tại Báo Giải Phóng, vợ chồng anh Ba Hùng đã làm việc ở đó. Anh ấy là chánh văn phòng kiêm biên tập viên của báo. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh về anh - một người Hoa trẻ tuổi, nhiệt tình, luôn đeo cái túi bên hông đựng các tài liệu, văn bản của cơ quan. Anh được điều đến cơ quan để làm báo, nhưng trước tình hình khó khăn của cơ quan, anh tạm gác niềm đam mê viết báo, lâu lâu mới viết bài. Thời gian còn lại anh tình nguyện quán xuyến mọi công việc như người quản gia, lo cho mọi người từng miếng cơm manh áo để mọi người yên tâm làm việc. Anh em trong tòa soạn báo rất yêu mến anh Ba Hùng bởi tính cách năng nổ, miệng nói tay làm, sống thẳng thắn, trung thực với mọi người.
Vài năm sau, thực hiện chủ trương đưa cán bộ về cơ sở, Trung ương Cục điều một số anh chị em của tờ báo đi các chiến trường; trong đó anh Ba Hùng được đưa về công tác ở khu miền Đông, nơi cực kỳ gian khổ, khó khăn, rừng núi hiểm trở, chiến trường đầy ác liệt nhưng anh ấy vẫn hăng hái ra đi. Đó là nhiệt tình và cũng là chí khí của người đảng viên, sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn. Tiễn anh đi, chúng tôi vẫn mong sẽ có ngày gặp lại, nhưng không ngờ anh đã nằm lại nơi chiến trường. Anh Ba Hùng cũng là nhà báo đầu tiên của cơ quan chúng tôi hy sinh.
Nhà báo Trần Huân Phương sinh năm 1931 tại Rạch Giá, trong một gia đình người Hoa lao động nghèo. 14 tuổi, ông tham gia cách mạng. Năm 1950, ông được vinh dự kết nạp Đảng, trở thành một cán bộ nòng cốt trong Ban Hoa vận Rạch Giá. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, ông tình nguyện ở lại miền Nam, được điều ra hoạt động công khai ở Sài Gòn. Tháng 10-1955, ông bị địch bắt, trải qua các nhà lao: Gia Định, Catinat, Ô Ma, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Lợi. Sau 8 năm giam cầm, địch buộc phải trả tự do cho ông. Theo sự phân công của tổ chức, ông về nhận nhiệm vụ tại tòa soạn Báo Giải Phóng. Đầu năm 1968, ông hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Với những công lao và sự hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, liệt sĩ Trần Huân Phương được tặng bằng Tổ quốc ghi công vào năm 1983 và được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất vào năm 1984. Năm 1995, liệt sĩ Trần Huân Phương được truy tặng Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”. |
ÁI CHÂN
(Ghi theo lời kể của bà Diệp Tú Anh – vợ nhà báo Trần Huân Phương và ông Đinh Phong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM)