Ngày 9-7 tới, cử tri Indonesia sẽ bắt đầu bỏ phiếu bầu Tổng thống mới để chọn người kế nhiệm ông Sulio Bambang Yudhoyono. Đây là cuộc bầu cử gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ứng viên Joko Widodo, thống đốc Jakarta, ứng viên đảng Dân chủ đấu tranh vẫn chiếm ưu thế nhưng Tướng Prabowo Subianto, ứng viên đảng Gerinda, đang rút ngắn khoảng cách.
Tướng Prabowo được giới truyền thông ưu ái nhiều hơn khi có sự ủng hộ của Aburizal Bakrie, người sở hữu tập đoàn PT Visi Media Asia với hai đài truyền hình phủ sóng trên toàn quốc, và Hary Tanoesoedibjo-chủ nhân Media Nusantara Citra với 3 đài truyền hình. Trong khi đó, ông Jokowi chỉ nhận được sự hậu thuẫn từ trùm truyền thông Surya Paloh, người sở hữu kênh tin tức MetroTV có 3% người xem ở Indonesia.
Trước thực trạng các cơ quan truyền thông có dấu hiệu không khách quan khi đưa tin về các ứng viên, Ủy ban phát thanh truyền hình Indonesia đã gởi thư cảnh báo tới 3 ông chủ hãng truyền hình nói trên. Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng giục các hãng đưa tin cân bằng hơn. Tuy nhiên, dù nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của giới truyền thông nhưng ưu thế mà ông Widodo đang dẫn trước cho thấy cử tri Indonesia dường như rất ít bị tác động.
Cuộc tranh luận trên truyền hình trước thềm bầu cử cho thấy chính sách dân túy của hai ứng viên hoàn toàn khác nhau. Ông Prabowo khẳng định mục tiêu bảo vệ công dân, tôn trọng các quyền cơ bản của con người, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, đảm bảo phúc lợi của người dân cũng như duy trì an ninh quốc gia. Trong khi Tướng Prabowo hình dung ra một viễn cảnh to lớn về Indonesia thì ông Joko Widodo chỉ tập trung vào các vấn đề đặc biệt nổi bật của Indonesia như: chống quan liêu, tham nhũng, đẩy mạnh tính minh bạch trong bộ máy công quyền…
Ông Joko Widodo cho rằng, để có những quyết sách đúng đắn và phù hợp thì cần phải tiếp xúc, lắng nghe và thấu hiểu ý kiến, nguyện vọng của người dân thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Ông Widodo đưa ra chương trình hành động, theo đó nếu đắc cử tổng thống sẽ dành ưu tiên cho các lĩnh vực giáo dục, y tế. Về nông nghiệp, ông đề ra các mục tiêu cụ thể đảm bảo điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất nhằm cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đảm bảo lương thực cho Indonesia trong những năm tới.
Theo tờ Diplomat, những khó khăn mà Tổng thống Indonesia tương lai sẽ phải đối mặt không hề nhỏ. Một trong những thách thức đó là vượt qua cái bóng và những thành tựu đối nội, đối ngoại mà Tổng thống Yudhoyono đạt được sau 10 năm lãnh đạo đất nước. Về đối nội, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân thứ 4 thế giới này đang có dấu hiệu chậm lại cùng với các giải pháp nhằm hạn chế nạn tham nhũng là những mong mỏi chính đáng của cử tri Indonesia gửi gắm tới nhà lãnh đạo tương lai.
Người kế nhiệm cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao được đánh giá tích cực và hiệu quả của Tổng thống Yudhoyono. Do vậy, mỗi ứng cử viên Tổng thống Indonesia sẽ phải đáp ứng hai yêu cầu liên quan đến chính sách đối ngoại, bao gồm: lên kế hoạch các sáng kiến để Indonesia có thể có tác động đến cộng đồng quốc tế và chứng tỏ được sự hiểu biết về những thách thức và trở ngại ngăn cản Indonesia trong cạnh tranh toàn cầu.
THANH HẰNG