Cuộc đua tiến vào Điện Kremlin 2008

Cuộc đua tiến vào Điện Kremlin 2008

Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục giữ im lặng về quyết định chọn người kế vị và khẳng định cuộc bầu cử 2008 là một cuộc chạy đua dân chủ. Giữ bí mật càng lâu thì những câu chuyện khai thác về vấn đề tranh cử Tổng thống Nga diễn ra vào ngày 2-3-2008 sắp tới lại càng gây tốn hao thêm nhiều giấy mực của các phương tiện truyền thông đại chúng xoay quanh về vị tổng thống tương lai của Nga, cuộc đời của ông Putin, quan hệ quốc tế với Nga…

Danh sách dài các ứng cử viên Tổng thống Nga 2008

Tổng thống Putin từng nói ông mong muốn người kế nhiệm sẽ tiếp tục chính sách của mình và “mọi công dân Nga sẽ có quyết định sáng suốt nhất để chọn ra người đủ tài và đức vào vị trí lãnh đạo cao nhất nước”. Trên tinh thần bầu cử dân chủ, danh sách các ứng cử viên (ƯCV) ngày càng nối dài ra thêm.

Cuộc đua tiến vào Điện Kremlin 2008 ảnh 1

Tổng thống Putin trước Điện Kremlin.

Đầu tiên là Phó Thủ tướng thứ nhất, Dmitry Medvedev. Mới 41 tuổi, lại là một chính khách mới nổi lên, nhưng Medvedev hiện giành được uy tín chính trị lớn nhất. Ông là trợ lý lâu nhất của Putin từ St. Petersburg đến Moscow từ năm 1999.

Dư luận cho là chính trường Nga đang dùng hình ảnh chú ngựa tơ này để gây phân tán sự chú ý vào các ƯCV nặng ký. Ngoài ra, ông Medvedev thường bị chê là mang vẻ ngoài hơi căng thẳng và hay đọc những bài diễn văn khô khốc.

Sergei Ivanov, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Lớn tuổi nhất so với những ƯCV sáng giá và có tham vọng trở thành tổng thống. Khả năng nói tiếng Anh tốt, hình ảnh tao nhã lịch lãm khiến ông giành được số phiếu bầu khá cao từ Bộ An ninh.

Chỉ e ngại gần đây ông bị tai tiếng vì cậu ấm của mình. Chàng trai này khi chạy chiếc xe đua hiệu Volkswagen đã cán chết một bà lão 68 tuổi.

Nhân vật thứ ba là Yuri Luzhkov, Thị trưởng Moscow. Mặc dù bị nhiều áp lực dư luận từ những vụ làm giàu không minh bạch của phu nhân mình – vốn được mệnh danh là người phụ nữ giàu nhất nước Nga - lại có mối bất hòa dai dẳng trong Điện Kremlin, nhưng Luzhkov được công chúng xem là đối thủ nặng ký với khả năng chống chọi được bão tố chính trị và làm kinh tế giỏi.

Mikhail Kasyanov, cựu Thủ tướng Nga, một người ngoài Điện Kremlin, tự ra ứng cử. Cơ hội để đoạt “cúp vô địch” vào Điện Kremlin là mỏng manh, tuy nhiên Kasyanov là nhà chính trị có bản thành tích đáng nể, sẽ là ƯCV khiến các đối thủ phải kiêng dè.

Bộ trưởng Tài nguyên, Yuri Trutnev, 50 tuổi, tỏa sáng từ thời lãnh đạo vùng Perm và có cùng sở thích đấu karate như Tổng thống Putin. Hiện nguồn tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc khôi phục của nước Nga trên bình diện quốc tế, nên việc Trutnev ra ứng cử Tổng thống Nga được coi là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Boris Gryzlov, phát ngôn viên của Hạ viện Duma và lãnh đạo đảng Thống nhất Nga. Ông được đánh giá là một ƯCV thực thụ đứng đằng sau bình phong Medvedev. Trước năm 1999, Gryzlov vẫn còn im hơi lặng tiếng thì gần đây nổi lên với vị trí phò tá Putin và chứng minh được mình là một nhà chính trị trung thành và hoàn hảo. Phục vụ tại Điện Kremlin như Bộ trưởng Nội vụ và giữ vai trò chính trong việc thống nhất nguyên tắc duy đảng ở Nga.

Sergei Shoigu, 51 tuổi, chiếm sự tín nhiệm đứng hạng thứ ba theo kết quả một cuộc thăm dò. Người gốc Tuvan, được đánh giá đầy bản lĩnh, có thể đối đầu với những thách thức, khủng hoảng và những trường hợp nguy cấp. Tuy nhiên tâm lý người dân Nga dường như chưa thể sẵn sàng bỏ phiếu cho một tổng thống không phải là dân Nga chính gốc.

Gennady Zyuganov, lãnh đạo đảng Cộng sản Nga. Chính thức bước chân vào chính trường từ 1996 và bị nói là giống trường hợp Gus Hall của Mỹ (một lãnh đạo đảng Cộng sản Mỹ đã 5 lần ra tranh cử chức tổng thống). Zyuganov đam mê công việc hiện tại, được sự ủng hộ của những người thích làm ăn hợp tác xã.

Vladimir Zhirinovsky, lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Nga, một nhân vật không thể không kể đến. Đáng chú ý là dân Nga bỏ phiếu cho ông cao hơn một vài ƯCV khác. Mặc dù đảng Tự do Dân chủ Nga vẫn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị của Nga, nhưng Zhirinovsky lại là tâm điểm của những lời chỉ trích nặng nề phê phán ông là hiện thân của chủ nghĩa quân sự và độc đoán của một nước Nga hiện đại.

Nhiệm kỳ 3 cho Putin?

Kết quả thăm dò dư luận do Hãng VTSIOM tiến hành cho thấy người Nga đồng tình với đề nghị sửa đổi hiến pháp để cho phép Tổng thống Putin cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Tại sao không nhỉ? Stalin đã từng sửa hiến pháp, Yetsin khi đương thời cũng làm vậy. Nỗ lực vận động để Putin tiếp tục tại vị là hoàn toàn có thể.

Mới ở tuổi 54, Tổng thống Putin vẫn đang rất sung sức và có uy tín cao. Mặt khác, sự ra đi của ông làm nhiều người e ngại sẽ ảnh hưởng xấu tới tốc độ tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị. Nếu Putin vẫn không tìm được ƯCV mà ông thấy tin cậy thì việc ông ở lại Kremlin chính là phương cách duy nhất để cứu lấy nước Nga.

Tuy nhiên trong một chuyến đi thăm chính thức Phần Lan, các phóng viên đã phỏng vấn ông về tương lai nước Nga sau bầu cử 2008. Ông đã nói: “Cũng có thể tôi muốn tiếp tục vị trí tổng thống sau 2008, nhưng Hiến pháp Nga không cho phép làm điều đó. Tôi tin sự ổn định là yếu tố quan trọng nhất cho nước Nga hôm nay, mà điều đó chỉ có thể gây dựng được dựa trên những nguyên tắc của hiến pháp”.

Tuy nhiên giới bình luận chính trường của Nga cho là từ đây đến 2-3-2008 – ngày bầu cử Tổng thống Nga - vẫn còn rộng thời gian đủ để nghiên cứu và vì vận mệnh của nước Nga mà hiến pháp sẽ được sửa đổi. Và họ mong lúc đó Tổng thống sẽ nói “Vâng. Bây giờ tôi ra tranh cử vì hiến pháp đã cho phép tôi làm như vậy”.

Huyền thoại cờ vua Kasparov muốn “đấu ván cờ tổng thống”!

Huyền thoại cờ vua quốc tế, Garry Kasparov, sau 20 năm thống lĩnh thế giới trên những bàn cờ vua, nay lại muốn lao vào cuộc “đấu ván cờ tổng thống”. Từ 2004, Kasparov đã thành lập và hiện là chủ tịch Ủy ban Bình chọn tự do 2008, một phe chống đối kịch liệt Tổng thống đương nhiệm.

Kasparov luôn phát tán những thông tin công kích ông Putin, cho chế độ cai trị của Putin là độc tài và kêu gọi các đảng dân chủ phương Tây xem xét cẩn thận về nền dân chủ có tồn tại thật sự tại Nga hay không và đe dọa sẽ ra tay phản đối chính quyền hiện thời. Tuy nhiên dư luận cho là sau tấm bình phong đấu tranh dân chủ của Garry Kasparov là ý đồ muốn được vịn tay vào chiếc ghế tổng thống.

Câu chuyện Vua cờ liệu có trở thành tổng thống Kasparov đang bị dư luận khai thác rầm rộ hơn là mối quan tâm về những hành động quá khích của ủy ban của ông đối với Tổng thống Putin.

Hãy còn hơn 210 ngày mới đến thời khắc Cung điện Kremlin rung chuông đón chào tân tổng thống. Mọi điều bất ngờ đều có thể xảy ra trên đường đua quyền lực. Một người nào đó trong danh sách trên đây hay là một người ẩn mặt nào đó? Đó là phong cách chính trường Nga. 

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục