Ngày 18-5, Tổng thống Myanmar Thein Sein đã rời Myanmar, bắt đầu chuyến thăm lịch sử đến Mỹ. Rất nhiều vấn đề quan trọng sẽ được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Myanmar bàn thảo vào ngày 20-5 tới.
Sau gần 50 năm (kể từ năm 1966 đến nay), một tổng thống của Myanmar mới lại tới thăm Washington. Ông Zaw Htay, người đứng đầu văn phòng tổng thống Myanmar cho biết, ông Thein Sein đến Mỹ với vị thế hoàn toàn khác, không còn là người đứng đầu của một quốc gia bị cộng đồng quốc tế cô lập mà là một Myanmar đang có tiến trình cải cách mạnh mẽ được quốc tế đánh giá cao.
Theo Hãng AFP, trong cuộc hội đàm ngày 20-5 tới, ông Thein Sein nhiều khả năng sẽ đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ quá trình cải cách chính trị tại Myanmar. Mỹ đã đánh giá rất cao những chuyển biến không ngừng tại Myanmar kể từ tháng 3-2011 đến nay. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Thein Sein đã trả tự do cho hàng trăm nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Đặc biệt, cho phép thủ lĩnh đối lập, bà Aung San Suu Kyi, tham gia Quốc hội. Vì vậy, chuyến công du của ông Obama tới Myanmar hồi tháng 11-2012, cũng như việc Washington cho tạm hoãn hầu hết các lệnh cấm vận với Naypyidaw như một phần của nỗ lực ngoại giao mà Mỹ khởi xướng năm 2009 để khuyến khích cải cách ở đất nước Đông Nam Á này.
Naypyidaw hy vọng sẽ được Washington hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh, luật pháp, giáo dục, y tế, giảm đói nghèo. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Thein Sein trong chuyến đi này là thuyết phục Quốc hội Mỹ chấp thuận bãi bỏ những biện pháp cấm vận cuối cùng, một điều khá khó khăn trong bối cảnh dư luận quốc tế quan ngại tình trạng bạo lực sắc tộc đang diễn ra tại Myanmar.
Tờ Financial Times cho rằng Myanmar còn tìm kiếm sự đầu tư từ nước ngoài qua chuyến thăm Washington lần này. Có thể kể đến hợp đồng đáng chú ý đó là dự án nâng cấp và vận hành sân bay Yangon trị giá 1 tỷ USD trong 30 năm đang được không ít các nhà thầu nước ngoài đầy năng lực nhòm ngó. Trước cơ hội này, các tập đoàn của Mỹ là Boeing và McKinsey đã lobby rầm rộ để được nhận dự án tại Yangon. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, các công ty của Mỹ ở nhiều lĩnh vực đang dành sự quan tâm rất lớn cho thị trường tiềm năng Myanmar. Ngoài hợp đồng đáng chú ý trên, 2 bên cũng dự kiến ký một số thỏa thuận về thương mại và đầu tư.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ Myanmar, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đạt 190,96 triệu USD trong năm 2012, trong đó xuất khẩu từ Myanmar sang Mỹ đạt 16,47 triệu USD, trong khi nhập khẩu là 174,49 triệu USD, thị trường duy nhất Mỹ có tỷ lệ thặng dư thương mại rất cao. Mỹ hiện có 15 dự án đầu tư tại Myanmar với tổng số vốn là 243,56 triệu USD và đứng thứ 9 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Myanmar. Nhìn những con số trên có thể thấy Mỹ đã đẩy nhanh cuộc đua đến Myanmar khá ngoạn mục.
Một số nhà phân tích cho rằng việc Mỹ đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Myanmar được xem là cách thức để giành ảnh hưởng tại quốc gia có mối quan hệ hợp tác lâu nay với Trung Quốc. Có thể nói qua chuyến thăm của Tổng thống Myanmar Thein Sein, Mỹ đang tăng tốc trong cuộc đua tốc độ này.
ĐỖ VĂN