Cuộc đua vũ khí siêu thanh giữa các nước lớn

Trung tuần tháng 12, vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh AGM-183A của Mỹ đã thất bại lần thứ ba liên tiếp khi tên lửa không rời khỏi cánh của máy bay ném bom B-52 để phóng đi. Mỹ hiện đang cố gắng giảm thiểu khoảng cách tụt hậu so với Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Trung Quốc và Ấn Độ cũng có nhiều bước tiến trong loại vũ khí này.

Nga, Mỹ cạnh tranh gay gắt

Tốc độ âm thanh trong không khí khoảng 1.236 km/giờ được gọi là Mach 1, bằng hoặc lớn hơn Mach 1 gọi là tốc độ siêu thanh (supersonic). Trên Mach 5 (tức gấp 5 lần Mach 1) gọi là tốc độ cực siêu thanh (hypersonic). Tên lửa cực siêu thanh tiếp cận mục tiêu với tốc độ lớn hơn Mach 5 (từ 6.125 km/giờ trở lên) và có khả năng cơ động cao. Loại vũ khí này vẫn là thách thức đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nào. Quốc gia nào làm chủ những công nghệ này và quan trọng nhất - trang bị được cho quân đội, sẽ có lợi thế lớn trước các đối thủ tiềm năng. Nga đang tiến gần nhất tới mục đích này, còn Mỹ đang cố gắng bắt kịp.

Tên lửa cực siêu thanh Tsirkon (3M22) của Nga sẽ được đưa vào biên chế quân đội năm 2022
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ đưa tên lửa cực siêu thanh trên biển vào biên chế quân đội vào năm 2022. Việc sản xuất hàng loạt tên lửa cực siêu thanh trên biển Tsirkon của Nga đã được triển khai, và việc xây dựng địa điểm lưu trữ đầu tiên đang được tiến hành gần Severomorsk.

Theo tờ Izvestia, Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu xây dựng các cơ sở cho Hạm đội Phương Bắc để lưu trữ và xử lý tên lửa cực siêu thanh Tsirkon tiên tiến mới của hải quân. Với tốc độ Mach 9 (gấp 9 lần tốc độ âm thanh), tên lửa Tsirkon (3M22) đã được Nga thử nghiệm nhiều lần. Trước mắt, Tsirkon sẽ được triển khai trên tàu chiến và tàu ngầm, nhưng một phiên bản trên đất liền cũng đang được phát triển. Tầm bắn chính xác chưa được tiết lộ, nhưng theo các phương tiện truyền thông Nga, tầm bắn khoảng 740-1.000km. Theo các chuyên gia, tàu khu trục Mỹ cần thời gian phản ứng từ 8 đến 10 giây để đánh chặn tên lửa đang bay tới. Trong thời gian đó, tên lửa Tsirkon đã đi được ít nhất 19km. 

Trước sự phát triển mạnh về tên lửa cực siêu thanh của các nước, Mỹ đang tăng tốc, một mặt phát triển tên lửa này, mặt khác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cực siêu thanh. Theo Sputnik, Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) của Mỹ đã khởi động dự án phòng thủ được đặt tên là “Glide Phase Interceptor” (GPI - Đánh chặn giai đoạn lượn). 3 gã khổng lồ quốc phòng sẽ cạnh tranh để được tham gia dự án là Tập đoàn Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman. Hiện vẫn chưa rõ Lầu Năm Góc dự kiến bắn hạ những “thiên thạch” như vậy bằng cách nào. Rõ ràng, các tên lửa đánh chặn mới cũng sẽ bay với tốc độ cực siêu thanh. Nhưng trước hết, hệ thống đánh chặn phải phát hiện tên lửa cực siêu thanh đang bay, việc này vô cùng khó khăn. 

Gần đây, Cơ quan phát triển vũ trụ thuộc Lầu Năm Góc (SDA) cho biết, Mỹ bắt đầu xây dựng hệ thống cụm vệ tinh mới với cảm biến hồng ngoại để tạo ra “lá chắn thép” trước tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh. Chính quyền Washington hy vọng các vệ tinh quỹ đạo thấp sẽ giải quyết được vấn đề. 8 vệ tinh thử nghiệm sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2023. Hoạt động ở chế độ hồng ngoại liên tục, chúng sẽ sử dụng cảm biến trường quan sát rộng để phát hiện tín hiệu từ tên lửa hành trình và đầu đạn. Mỗi vệ tinh sẽ kiểm soát một khu vực địa hình nhất định và sẽ lập tức báo động khi nhận thấy mục tiêu siêu thanh. 

Trung Quốc và Ấn Độ góp mặt

Financial Times đưa tin, vụ thử tên lửa cực siêu thanh lần đầu tiên của Trung Quốc vào ngày 27-7-2021 với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5). Tên lửa này bay vòng quanh Trái đất trước khi tăng tốc tới mục tiêu, chứng tỏ được năng lực vũ trụ tiên tiến. Theo Báo Guardian, cuộc thử nghiệm cho thấy Trung Quốc đã đi trước về công nghệ so với những gì thế giới đã biết. Tướng Mỹ Mark Milley nói: “Cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Quốc thu hút tất cả sự chú ý của chúng tôi”. Cơ quan Phát triển không gian Mỹ cho biết, sự kết hợp giữa tốc độ cao, khả năng cơ động và độ cao tương đối thấp của một số tên lửa tiên tiến đang nổi lên khiến chúng trở thành mục tiêu thách thức đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ.

Theo tờ South China Morning Post, chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming cho rằng, vũ khí siêu thanh khó bị phát hiện hơn tên lửa truyền thống, vì quỹ đạo của chúng khiến các hệ thống chống tên lửa khó tính toán điểm đến. Nhà bình luận và là cựu giảng viên quân sự Trung Quốc Song Zhongping nhận xét, ngay cả khi Mỹ có thể phát hiện và theo dõi tên lửa siêu thanh, thì việc có thể tấn công một vũ khí siêu thanh đang bay tới hay không là một vấn đề khác. 

Ấn Độ cũng đã thử nghiệm một vũ khí cực siêu thanh được chế tạo trong nước vào tháng 9 mang tên BrahMos II. Vũ khí này do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO), một cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hợp tác với Nga phát triển. Ngày 7-9, DRDO đã đưa ra thông báo rằng, lần đầu tiên họ đã “thử nghiệm thành công” một phương tiện “trình diễn” công nghệ cực siêu thanh nội địa. BrahMos II là một tên lửa được phóng từ tổ hợp phóng Abdul Kalam tại đảo Wheeler, ngoài khơi bờ biển Odisha, đánh dấu lần thử nghiệm thành công thứ 2.

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh chúc mừng DRDO đã phóng thành công BrahMos II, đồng thời cho biết tên lửa đạt tốc độ vượt quá Mach 6 với tầm bắn 450km. Việc thử nghiệm thành công tên lửa cực siêu thanh là một cột mốc quan trọng đối với Ấn Độ, đánh dấu việc nước này gia nhập câu lạc bộ các nước sở hữu công nghệ vũ khí siêu thanh sau Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ như Lockheed Martin và Raytheon Technologies đã phát triển công nghệ vũ khí siêu thanh trong gần 3 thập niên. Yêu cầu ngân sách năm 2022 của Lầu Năm Góc cho nghiên cứu vũ khí siêu thanh là 3,8 tỷ USD so với 3,2 tỷ USD trong năm 2021.

Tin cùng chuyên mục