Quan hệ Mỹ-Trung thời gian gần đây được nhắc đến như là một trong những mối quan hệ hợp tác chiến lược quan trọng, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.
Hai cường quốc dù vẫn còn nhiều mâu thuẫn trên phương diện kinh tế, thương mại cùng nhiều vấn đề khác như như tỷ giá đồng nhân dân tệ, xuất siêu sang Mỹ, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, bản quyền sở hữu trí tuệ... Tuy nhiên, những nỗ lực mà hai bên đang hướng đến, cụ thể là cuộc “Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung - Mỹ” vòng 3 vào hai ngày 9 và 10-5 tại Washington chứng minh được, cả hai cần nhìn thấy sự phát triển ổn định và bền vững của đối phương để làm cơ sở đảm bảo cho “cái bắt tay” lâu dài.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc cùng Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner cùng chủ trì đối thoại.
Ở cả hai lần đối thoại trước, chưa có những thỏa thuận ấn tượng nào được ghi nhận. Đó cũng là lý do mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hồi tháng 1 vừa qua đã “cất công” sang Mỹ, làm dịu không khí căng thẳng trong quan hệ hai nước, tạo bước đệm cho cuộc gặp vòng 3 này. Ông đã phát biểu tại Washington: “Lợi ích chung của hai nước Trung-Mỹ chưa bao giờ rộng lớn như ngày nay và hai nước chưa từng đứng trước trọng trách lớn như vậy”.
Không chỉ thể hiện bằng lời nói, trong 4 ngày làm việc ở Washington, phía Trung Quốc ký nhiều hợp đồng đặt hàng trị giá 50 tỷ USD với Mỹ. Điều này được ví như “chiếc phao” dành cho 235.000 lao động Mỹ có thể “ngấp nghé” ở tình cảnh mất việc làm bất cứ lúc nào. Tổng thống Obama khẳng định đây là cơ hội và đúng là thời điểm để đặt nền tảng cho việc thắt chặt quan hệ hợp tác giữa hai nước để hướng đến 3 thập kỷ tới, một sự kỳ vọng tích cực và hứa hẹn có nhiều chuyển biến.
Vì thế, trong vòng đàm phán ở thủ đô Washington lần này, Trung Quốc đã tự tin hơn. Trưởng ban Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Viên Cương Minh cho rằng, ở những lần đối thoại trước, hầu hết các vấn đề đều do phía Mỹ đưa ra yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện, nhưng lần này Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều yêu cầu đối với phía Mỹ. Điều này được chính quyền Mỹ ngầm hiểu rằng, Trung Quốc đã tự tin cạnh tranh với họ trên mọi mặt trận, từ kinh tế, quân sự đến khoa học kỹ thuật...
Hơn nữa, mới đây, IMF đưa ra dự báo đà giảm của nền kinh tế Mỹ sẽ chạm đà tăng của Trung Quốc vào năm 2016. Cụ thể, kinh tế Trung Quốc tăng từ 11.200 tỷ USD trong năm 2011, đạt 19.000 tỷ USD năm 2016, kinh tế Mỹ tăng từ 15.200 tỷ lên 18.800 tỷ. Tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ đạt 17,7% giá trị kinh tế toàn cầu, thấp nhất trong thời hiện đại, trong khi Trung Quốc đạt 18%.
Về phía Trung Quốc, những lợi ích của nước này không gì khác hơn là xây dựng mối quan hệ bền vững với Mỹ để đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu với Mỹ, nhập khẩu công nghệ của Mỹ, tiếp nhận đầu tư từ Mỹ… Với Mỹ, nước này còn rất nhiều điều phải làm để đối phó với mức nợ quốc gia gần 14.300 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với số trái phiếu trị giá gần 1.000 tỷ USD. Bộ Thương mại Mỹ cho biết mục tiêu đầu tiên vẫn là tiếp tục xúc tiến kế hoạch xuất khẩu hơn 100 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ sang Trung Quốc trong năm nay, hơn gấp đôi xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới.
Hợp tác Mỹ-Trung được ví như “cuộc hôn nhân chỉ có lý trí”. Đó chính là sự cộng sinh để củng cố và đẩy mạnh địa vị quốc gia cho những mục tiêu phát triển lâu dài trong bối cảnh thế giới có quá nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.
NHƯ QUỲNH