Cuộc sống mới ở Ia Dom

Đồn biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đứng chân trên địa bàn xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới 21km tiếp giáp với hai xã Sê San và Bó Nhầy, huyện Ôzađao (Campuchia). Những năm gần đây, ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cán bộ chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã triển khai nhiều chương trình phối kết hợp đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân ổn định cuộc sống.
Cuộc sống mới ở Ia Dom

Đồn biên phòng (ĐBP) Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) đứng chân trên địa bàn xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai), được giao nhiệm vụ quản lý đoạn biên giới 21km tiếp giáp với hai xã Sê San và Bó Nhầy, huyện Ôzađao (Campuchia). Những năm gần đây, ngoài việc bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, cán bộ chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã triển khai nhiều chương trình phối kết hợp đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Tây Nguyên vào cuối mùa mưa, đường về xã biên giới Ia Dom được trải nhựa phẳng lì, những ngôi nhà mái ngói, nhà cao tầng chen nhau mọc lên. Nếu nói về sự nghèo khó trước đây của vùng đất này, kể cả ngày cũng không hết. Thế nhưng, những năm gần đây, bộ mặt vùng biên cương này đã thay đổi hẳn, dấu vết của những ngày nghèo khó mất dần ở nơi từng được mệnh danh là “vùng đất khó”.

Cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thăm hỏi người dân làng Bi, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ).

Cán bộ, chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thăm hỏi người dân làng Bi, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ).

Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết: “Ia Dom là xã vùng III của huyện Đức Cơ, dân số gần 6.300 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số Ja Rai chiếm hơn 50%. Trước đây, vùng này nghèo lắm, cả xã không có nổi một ngôi nhà ngói. Nhà nào cũng trống huơ trống hoác, không vật dụng gì đáng giá. Nghèo đói, bệnh tật cứ đeo bám người dân ở vùng biên giới heo hút này”.

Nhằm giúp bà con từng bước ổn định cuộc sống, cán bộ chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã bỏ ra không biết bao nhiêu ngày công để dựng lớp mở trường, dạy chữ cho con em, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình... Tuy nhiên, do bất đồng ngôn ngữ nên quá trình triển khai công tác tại cơ sở, các chiến sĩ ĐBP đã gặp không ít trở ngại. Để các hoạt động thực sự có hiệu quả, tạo niềm tin cho bà con các thôn làng, Ban chỉ huy đồn đã vận động cán bộ chiến sĩ tích cực học tiếng của bà con dân tộc.

Từ ngày có “tiếng nói chung”, cán bộ chiến sĩ đơn vị đã hiểu được tâm tư nguyện vọng của bà con, được nhân dân tin yêu như con em ruột thịt. Tình quân dân giữa cán bộ chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và nhân dân xã Ia Dom ngày càng sâu nặng, từ những việc trong gia đình đến việc trên nương rẫy đều có bàn tay các anh.

Trước những việc làm thiết thực của các cán bộ, chiến sĩ, sự nghèo khó nơi xã biên giới ngày càng xa dần. Các anh cùng tham gia tu sửa hệ thống thủy lợi, khai hoang phục hóa, phát triển đàn gia súc, gia cầm, hướng dẫn bà con đưa giống mới năng suất cao vào gieo trồng. Đặc biệt là Đội công tác vận động quần chúng thuộc đồn đã chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hồ tiêu, loại cây cho năng suất và hiệu quả cao ở vùng đất này, giúp các gia đình khó khăn vượt qua nghèo đói.

Chị Siu Loan, dân tộc Ja Rai, một người dân ở làng Moóc Đen 1 (xã Ia Dom) phấn khởi cho biết: “Vợ chồng mình được bố mẹ cho 9 sào đất rẫy. Trên mảnh đất ấy mình trồng đủ loại bắp, mì, điều... nhưng năm nào cả nhà cũng thiếu đói. Cách đây gần 5 năm, bộ đội biên phòng đến nhà hướng dẫn vợ chồng mình trồng cà phê và cây tiêu. Nhờ các anh, vườn cà phê và tiêu của mình phát triển rất tốt và đã cho thu hoạch. Bây giờ mình không còn sợ thiếu cái ăn, cái mặc nữa”.

Chỉ cho chúng tôi xem ngôi nhà khang trang được xây dựng từ chương trình “Nghĩa tình Trường Sơn” của Báo SGGP, già làng Siu Liêm ở làng Bi (xã Ia Dom) không giấu vẻ xúc động. Năm nay đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hi”, từng chứng kiến biết bao thăng trầm, nhưng cái ngày được trao tặng ngôi nhà, ông mới thực sự cảm nhận được nghĩa tình trong cuộc sống. Trước đây, cả gia đình gần chục con người trong gia đình ông sống trong căn nhà dột nát. Cố gắng dành dụm mãi để sửa sang, nhưng vẫn chưa đủ. Cho đến ngày được cán bộ xã thông báo gia đình ông có trong danh sách nhận nhà tình nghĩa, ông mừng rơi nước mắt. Già làng Siu Liêm tâm sự: “Giờ có chỗ ở rồi, ta biết ơn báo, biết ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm...”.

Được biết, để những ngôi nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” đến được tay người nghèo, ngoài số tiền do chương trình tài trợ, cán bộ chiến sĩ ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã không quản ngại khó khăn vất vả, bỏ thêm công sức, chạy đua với thời gian, thời tiết, sớm hoàn thành những ngôi nhà, giúp người nghèo được an cư.

Thiếu tá Hoàng Xuân Hải, Chính trị viên ĐBP Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thổ lộ: Trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ tuần tra thường xuyên, đồn còn phối hợp với lực lượng công an và dân quân xã Ia Dom tổ chức nhiều đợt tuần tra toàn tuyến, phát hiện và xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật, điều này càng củng cố lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước và bộ đội. Đến vùng biên giới thuộc huyện Đức Cơ hôm nay, chúng tôi có thể cảm nhận được nhịp sống sôi động, các công trình điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, có chợ biên giới giao thương với nước bạn Campuchia..., góp phần đưa bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới. Cuộc sống ấm no đã và đang về với người dân xã biên giới Ia Dom.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục