Cuộc thi của những chiến công thầm lặng

Cuộc thi của những chiến công thầm lặng

(SGGP).- Cuộc thi ký văn học “Chân dung người đương thời” do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã kết thúc, chúng ta có được các giải như đã công bố. Thật ra sự hâm mộ của người đọc còn hơn thế, hầu hết các bài viết dự thi đăng tải lâu nay trên Báo Sài Gòn Giải Phóng đều được bạn đọc ngợi khen. Đây là một cuộc thi đặc biệt, viết về người thật việc thật, sự hâm mộ được nhân đôi, dành cho tài năng người viết và cả cho nhân vật được viết, những người bằng xương bằng thịt sống cùng thời với chúng ta.

Cuộc chiến tranh vệ quốc 30 năm đã lùi xa, những tấm gương hào hùng trong chiến đấu cũng đã lùi xa chừng ấy năm, cuộc sống trở lại đời thường với những rối rắm phức tạp, chuyện cơm áo gạo tiền tưởng đâu đã làm nhạt nhòa tất cả. Nhưng không, những phẩm chất cao đẹp những tấm gương chói ngời vẫn còn đó.

Và đâu phải xa xôi gì, chuyện trong gia đình đại tá Lê Bá Ước quen biết đây thôi. Đó là chuyện trong bài Bốn câu chuyện lạ trong một gia đình lính của anh Tô Hoàng. Chúng ta biết nhiều về công việc đời lính của anh Lê Bá Ước, giờ đây chúng ta biết thêm chuyện riêng trong gia đình anh, hóa ra cũng chói sáng không thua gì những chiến công hiển hách ngoài trận mạc. Thật không thể tưởng tượng được có những chuyện như thế, những con người cao cả những câu chuyện nhân bản thấm đẫm tình người. Chuyện riêng tư mà nói lên ý nghĩa lớn lao của những mảnh ghép, những con người, số phận cuộc chiến bạo tàn đau thương để lại. Một bài viết thật đặc sắc.

Những bài ký văn học chân dung “Người đương thời” đoạt giải do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: AN DUNG.

Những bài ký văn học chân dung “Người đương thời” đoạt giải do Báo SGGP tổ chức. Ảnh: AN DUNG.

Bài Non nhà vạn dặm xa cũng đặc sắc không kém, đưa ta đến một chân trời khác. Tác giả Hàm Châu hẳn cũng là một nhà khoa học, hiểu công việc của những nhà khoa học khác, trong một bài viết ngắn nêu được những sự kiện khoa học tầm cỡ: đó là chuyện về Nguyễn Trọng Hiền, nghiên cứu viên của NASA, giảng dạy ở Viện Công nghệ California, người Việt duy nhất ba lần “ăn dầm nằm dề” ở trạm quan trắc Nam Cực, chứng kiến qua kính viễn vọng Hubble cảnh “triệu năm có một” sao chổi Shoemaker Levy đâm vào Mộc tinh. Đó là công việc của trí tuệ đỉnh cao, thành quả của những năm tháng lao động miệt mài với nghị lực ý chí phi thường. Những con người đó rất cần cho đất nước hiện nay, công cuộc xây dựng công nghiệp hiện đại, tấm gương cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ.

Sau những đêm trắng của Nguyễn Hữu Quí là một tác phẩm đặc biệt xúc động viết về đội du kích 11 người của thành phố Huế, quá nửa đội đã nằm lại trong trận đánh Mậu Thân năm 68. Chuyện kể của chị Nguyễn Thị Nga, người em út của tiểu đội năm nào. Đã 40 năm trôi qua, trên bàn thờ tổ tiên luôn có hình 6 cô gái những người đồng đội cũ, không lúc nào ngơi hương khói. Cuộc sống đầy những lo toan, nghèo túng, làm việc tất bật nuôi con ăn học, đã mấy chục năm “chiến tranh chống Mỹ đã lùi xa nhưng những người như chị chưa hoàn toàn ra khỏi cuộc chiến. Trong tâm thức của người nữ dân quân xưa, mùi khói súng vẫn còn phảng phất và hình ảnh đồng đội ngã xuống nơi chiến trường vẫn là nỗi ám ảnh”. Bài viết như một lời tưởng niệm, ta đọc và nghiêng mình trước vong linh những cô gái anh hùng đã khuất.

Cứu người trong hoạn nạn là phẩm chất đặc trưng của dân ta, không thể thiếu trong chân dung những người đương thời này. Con người cụ thể đó là thiếu úy Nguyễn Xuân Nghiễm, trong bài Cứu dân trong mùa lũ Tây Nguyên của Phú Hưng, kể chuyện trận lụt lịch sử tháng 8-2007 ở Tây Nguyên. Người chiến sĩ bình thường ấy đã ngày đêm dùng thuyền cứu hộ lăn xả vào trong sóng cồn lũ lụt, bất chấp hiểm nguy, đã cứu được hàng mấy chục người thoát chết. Những tấm gương thầm lặng hy sinh quên mình như thế trong thời bình cũng hào hùng không kém thời chiến tranh máu lửa.

Cũng tấm gương thầm lặng cứu người như thế ở bác sĩ Phan Kim Phương, qua bài viết của Phạm Thục: Mổ với tâm thế người mẹ cứu con. Phẫu thuật là cứu người, nhất là mổ tim, cơ quan nhạy cảm nhất. Trái tim ngừng đập vài giây là sự sống xa rời cơ thể. Vậy mà vị bác sĩ ấy đã từng mổ hơn 8.000 ca mổ. Con số không khô khan chút nào, con số nói lên tất cả.

Chuyện về những người lính trong chiến tranh trở về với ruộng vườn là đề tài thường thấy, nhưng không vì thế mà nhàm chán, bao giờ cũng gây xúc động. Bởi đó là chuyện của chúng ta, chuyện của một thời. Người lính ở đây là anh Đoàn Văn Khanh, qua lời kể của Trầm Hương: Hoa bưởi hôm qua và hôm nay. Hãy nghe anh chiến sĩ kể: “Mười sáu tuổi làm xã đội phó… Tuổi còn nhỏ mà đã trở thành cán bộ chỉ huy không phải vì tôi giỏi mà vì có quá nhiều người hy sinh, ngó qua ngó lại chỉ còn mình tôi”. Chiến tranh là như thế… Hòa bình rồi, người chiến sĩ già đời trong chiến tranh vẫn muốn được hy sinh cống hiến, mày mò đi học đông y, làm bác sĩ trị bệnh cứu người. Đứa con ngây thơ hỏi: “Ba học hồi nào mà đi thi vậy ba?”. Thương cho đứa con ngây thơ, nhưng càng thương hơn người cha già làm học trò nhỏ! Và anh đã làm được, trở thành bác sĩ, nhà nghiên cứu thuốc đông y, giám đốc với nhiều bằng sáng chế. Anh đã chiến thắng trên thương trường như ngày xưa chiến thắng trên chiến trường.

Thật khó cho ban giám khảo chúng tôi trong việc thẩm định chấm giải, các bài viết không chênh lệch bao nhiêu, mỗi bài mỗi vẻ, các bài đều hay. Như bài Cặp vợ chồng Robinson trên hoang đảo của Huỳnh Văn Nguyệt cũng gây ấn tượng thật sâu sắc. Mấy năm trước tôi cũng có ra vùng huyện đảo Nam Du, đi cả đoàn, ở đó chỉ hơn tuần, có ghé qua hòn Dầu trong truyện, vậy mà tôi coi chuyến đi như thành tích đáng nhớ của đời mình. Trong lúc đó cặp vợ chồng đã ở đó 41 năm, chỉ có 2 người giữa hoang vắng tự làm lụng sinh sống. Không thể tưởng tượng được! Một tượng đài về ý chí nghị lực, con người có thể chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt như thế nào. Hay như bài Người trong một nhà của anh Hà Đình Cẩn.

Anh là chỗ quen biết, vậy mà giờ nhờ cuộc thi này tôi mới biết nhà anh có những chuyện như thế. Chỉ là chuyện ba bà chị dâu vẽ nên được thân phận người phụ nữ trong chiến tranh. Những con người bình thường, chân thật giản dị, nhưng cũng thật phi thường, trải qua những tai ương thảm kịch vẫn đứng vững. Đây chỉ là bài ký chân dung nhưng tình tiết éo le gay cấn không thua chuyện hư cấu, chỉ có mấy trang nhưng là phác thảo cho một quyển tiểu thuyết hoặc bộ phim dài tập. Trong đó có chuyện người chị dâu thứ hai khiến người đọc nhớ mãi.

Có một bài viết nói về một thế hệ đặc biệt: thế hệ TNXP TP sau năm 75. Đó là bài Vì mình là TNXP của Nguyễn Đông Thức viết về người đồng đội của mình, anh Đoàn Ngọc Hùng. Bắt đầu bằng chuyện tham gia đấu tranh chống tiêu cực, bị đì, đi TNXP. Qua bao nhiêu biến cố tai ương vẫn đứng vững, hăng say làm việc. Đó là thế hệ của những người lao động dấn thân, dám nghĩ dám làm, đấu tranh không khoan nhượng, xả thân vì sự nghiệp chung. Chính thế hệ đó hiện nay là rường cột xây dựng đất nước, đang viết tiếp câu chuyện của chính họ.

Xu hướng văn học hiện nay đang xóa dần ranh giới giữa chuyện thật và hư cấu, cuộc thi này là một minh chứng. Tôi may mắn được đọc bản thảo cuộc thi, tiếp cận nhiều con người số phận, những cảnh trí lạ kỳ của đất nước. Một cuộc thi vô cùng bổ ích, kết thúc bằng việc trao giải, nhưng mở ra cho người đọc bao vấn đề sự kiện cần phải suy nghĩ, hứa hẹn nhiều cuộc thi và những đợt sáng tác tiếp theo.

LÊ VĂN THẢO

Tin cùng chuyên mục