Cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V: Vì đâu nên nỗi?

Những năm gần đây, mỗi khi đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức một cuộc thi văn học nghệ thuật, dân trong nghề lại phập phồng… “sống trong sợ hãi”. Làm gì để xóa cái “huông” đầy ám ảnh đó?

1. Kéo dài hơn một năm, cuộc thi thơ ĐBSCL lần thứ V năm 2012 do Hội VHNT tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức cũng đã đến hồi kết thúc. Chưa có kết quả thứ hạng, mới chỉ đưa ra “thông báo số 4 công bố 11 tác phẩm vào vòng chung khảo” (kèm mã số) lập tức thi trường đã “dậy sóng”. Lại có nhiều câu hỏi để ngỏ: có hay không bài phạm quy, đạo thơ?; chất lượng tác phẩm lọt vào chung khảo?... Câu trả lời chính thức sẽ có vào tháng 7-2013, sau cuộc họp của đại diện Hội VHNT 13 tỉnh, thành trong khu vực.

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm” (Đò xuôi Thạch Hãn - Lê Bá Dương). Có những bài thơ, người đọc “nổi da gà” dù không hiểu hết về thơ. Điều đó không có trong 11 bài thơ lọt vô chung khảo lần này. “Rõ ràng các vị (BGK) ít đọc thơ hoặc có đọc thì chỉ đọc những tác giả quen, tác giả nổi tiếng; có thể có vị chưa có sử dụng internet nên hạn chế về thông tin, vì thơ đăng báo hay lên mạng đều hiện lên đây khi ta vào web, blog, các báo điện tử… Đến lỗi vần trong thơ lục bát mà cũng không phát hiện hoặc xem qua loa nên mới có tác phẩm thơ lục bát sai vần điệu cũng lọt vào chung khảo”, nhà thơ Trúc Linh Lan, Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ thẳng thắn nhìn nhận.

Một vùng đất ngổn ngang trăn trở nhưng cuộc thi chưa phản ánh rõ nét biến chuyển, diện mạo, dấu ấn đặc trưng châu thổ và các tác giả thơ đồng bằng. Một nhà thơ từng nằm trong Ban giám khảo (BGK) của một số cuộc thi thơ đồng bằng trước đây lý giải: “Chất thơ” (ngôn ngữ và ý tưởng thơ) còn yếu nên chưa tạo sự rung động mạnh trong người đọc. Thơ đồng bằng (cùng một số chuyên ngành khác) đã “xuống” hơn 10 năm rồi.

“Đến bây giờ tôi cũng không biết ai là thành viên Ban giám khảo”, tác giả bài thơ “Đồng con gái” (MS 047a) lọt vô vòng chung khảo nói. Đây là điều lạ so với các cuộc thi trước đây. Dân văn nghệ còn cho biết các thành viên BGK đợt này “hoạt động đơn tuyến”, không ai biết ai, chỉ nhận, chấm rồi gửi bài lại cho Ban tổ chức? Có bao nhiêu nhà thơ chuyên nghiệp trong vùng tham gia? Hầu như không có, từ nhiều năm nay. Họ “nhường đất” cho người viết trẻ, nghiệp dư hay “tinh mắt” sớm nhận ra sân chơi này đã mất dần sức hút, “tầm mức, giá trị” cuộc thi ngày càng nghiệp dư?

Liên tiếp các cuộc thi thơ, bút ký, ảnh… của ĐBSCL đã không thể vui vẻ xuôi dòng Mekong để tổng kết, trao giải như dự kiến.

2. Vì đâu nên nỗi? Đã đến lúc cần phải “giải phẫu”, nhìn lại thật nghiêm túc để tìm ra câu trả lời căn cơ. “Văn dĩ tải đạo”. Cái điều đầu tiên phải chở chắc là sự thanh sạch, trung thực, tự trọng cho chính mình, ngàn xưa tiền nhân đã dạy vậy. Thơ chỉ hay khi chính mình rung động, “say” với đời. Gạt bỏ cái “tôi” tiêu cực, nâng cao tính chuyên nghiệp chắc sẽ không xuất hiện những bài phạm quy hay đạo thơ người khác?

Cuộc thi của tỉnh hay vùng? Đến bây giờ nhiều người vẫn lấn cấn bởi tính “vùng” chỉ thể hiện rõ nhất ở việc đóng góp kinh phí, tác giả trong vùng gửi bài dự thi... Còn phần chuyên môn, chất lượng, điều quan trọng nhất để định ra giá trị cuộc thi (từ khâu nhận bài, sơ khảo, chung khảo…) lại buông xuôi, giao “trọn gói” cho đơn vị đăng cai. Chỉ khi “có chuyện” mới có sự hiện diện của đại diện Hội VHNT các tỉnh, thành trong khu vực. Lại một lần nữa tính liên kết, hợp tác giữa các địa phương cần phải bàn đến, khi từ trước đến nay, cuộc thi thơ ĐBSCL (và cả các cuộc thi VHNT khác) địa phương đăng cai hầu như đều “độc diễn” tất cả các khâu, từ tổ chức, quyết định thành viên đến mời ban giám khảo, công bố kết quả (có khi còn định giải)… Tính “luân chuyển” tổ chức các cuộc thi xem ra cũng không sát thực tế bởi không phải địa phương nào cũng đủ sức cáng đáng, nhất là về mặt chuyên môn (có địa phương mạnh về văn xuôi, thơ hoặc nhiếp ảnh…).

Ban giám khảo cần được định hình, từ quyết định của các Hội VHNT trong khu vực chứ không nên thay đổi liên tục, chỉ do các địa phương đăng cai mời gọi. “Chở bao đạo thuyền không khẳm” (Nguyễn Đình Chiểu), rõ ràng vùng đất này cuồn cuộn từ xưa bao điều nhân nghĩa, khảng khái rạch ròi. Để bật dậy tiềm năng, sức mạnh văn hóa vùng đồng bằng này rất cần các cấp quản lý quan tâm hơn nữa. Một cuộc thi tìm ra “tiếng lòng” của cả châu thổ sao vắng bóng sự hiện diện của Ban công tác Hội Nhà văn Việt Nam tại ĐBSCL và Hội Nhà văn Việt Nam?

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục