Cuộc bầu cử tổng thống Brazil, một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất của khu vực châu Mỹ tạm khép lại với lợi thế nghiêng về đương kim Tổng thống Dilma Rousseff. Thế nhưng, 41,8% số phiếu ủng hộ không đủ để bà Rousseff ngay lập tức nắm trong tay nhiệm kỳ tiếp theo.
Bà Rousseff cùng đối thủ nặng ký - Thượng nghị sĩ Aecio Neves (đoạt 34,2% phiếu ủng hộ) phải bước vào cuộc bầu cử lần hai vào ngày 26-10 tới. Trang BRICS Post có bài viết “Cuộc trưng cầu dân ý được cả thế giới dõi theo” cho rằng, cuộc bầu cử là sự kiện quan trọng để người dân Brazil đánh giá 12 năm lãnh đạo của đảng Lao động (PT). Bên cạnh đó, quốc tế chờ đợi người chiến thắng tạo được bước đột phá cho nền kinh tế mới nổi vốn được nhiều kỳ vọng thời gian qua.
Kể từ khi ông Lula da Silva lên cầm quyền cách đây 12 năm, đây là cuộc bầu cử khó khăn nhất đối với đảng cánh tả PT. Bà Rousseff là người được cựu Tổng thống Lula da Silva giới thiệu. PT phải chịu áp lực đối mặt với nền kinh tế Brazil đang có dấu hiệu suy giảm vì nhiều lý do, trong đó có lý do khách quan bị chi phối bởi nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của nhiều đối thủ cạnh tranh đầy triển vọng. Ở cuộc thăm dò dư luận ngay trước cuộc bầu cử, bà Rousseff nhận được sự ủng hộ của khoảng 44% trong số 64.200 người được hỏi. Đây là tỷ lệ an toàn nhưng không thể hiện được lợi thế của một đương kim tổng thống.
Trong 4 năm cầm quyền của mình, bà Rousseff đã đạt được nhiều thành tích đáng kể: tỷ lệ người nghèo ở Brazil giảm 75% so với thời ông Lula da Silva. Tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm 50% và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 5%, tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay ở Brazil. Tuy nhiên, khó khăn về kinh tế đã khiến tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 78% dành cho bà Rousseff năm 2012 giảm liên tục. Những người ủng hộ ứng cử viên Aecio Neves, đại diện đảng Dân chủ xã hội (PSDB) thì kỳ vọng rằng với vị trí là một nhà kinh tế học, ông Aecio Neves sẽ có cách để vực dậy nền kinh tế Brazil. Còn những người ủng hộ bà Rousseff thì tin vào sự ổn định trong chính sách phần lớn kế thừa từ ông Lula da Silva. Họ đồng lòng tiếp tục con đường mà bà Rousseff đã đề ra khi thúc đẩy mở rộng cảng biển, tư nhân hóa hàng không, tăng cường dịch vụ công nghệ di động và cải tiến cơ sở hạ tầng... Nhìn chung, đến nay bà Rousseff vẫn được đánh giá là vị thủ lĩnh có khả năng lèo lái Brazil trong nhiệm kỳ sắp tới nếu bà đắc cử.
Trên phương diện quốc tế, Brazil hiện là một trong những nước đóng vai trò quan trọng đối với các vấn đề toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu, năng lượng, nguồn nước… Với chính sách chú trọng quyền lực mềm như hiện nay, Brazil là thành viên đóng vai trò sống còn với những nỗ lực khẳng định vị thế của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Bà Rousseff là một trong những lãnh đạo tích cực xúc tiến thành lập Ngân hàng phát triển mới liên kết Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi để tạo thế cân bằng với các nước phương Tây vốn nắm giữ các thể chế kinh tế lớn nhất trên thế giới như Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế quá lâu.
Cuộc bầu cử lần này chính là cuộc trưng cầu dân ý để đo mức độ lạc quan và tin tưởng của người dân đối với PT. Nếu vượt qua được phép thử lần này, PT còn một chặng đường khó khăn vì không dễ tạo sự đột phá quá lớn trong bối cảnh khó khăn kinh tế bao trùm toàn cầu.
NHƯ QUỲNH