Cuộc vượt ngục Hỏa Lò năm 1945

Cuộc vượt ngục Hỏa Lò năm 1945

13 tuổi tôi đã phải chịu án tù 15 năm của thực dân Pháp vì “tội tham gia vào Hội Thanh niên Phản đế Hà Nội”. Sau khi bị giặc Pháp giam cầm ở 3 nhà tù khác nhau, cuối năm 1944, chúng đưa tôi về giam ở Nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Tại đây, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng CSVN và có một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình: vuợt ngục Hỏa Lò năm 1945!

Vào khoảng 21 giờ ngày 9-3-1945, các tù nhân chính trị đang bị giam tại khu vực chính trị tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) bỗng nghe bên ngoài tiếng súng râm ran khắp nơi. Mọi người bán tín bán nghi: hình như Nhật đảo chính Pháp! Anh Đỗ Mười (sau này là Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng) trong ban lãnh đạo chi bộ nhà tù liền chuẩn bị tư tưởng cho anh em chúng tôi: có khả năng phát xít Nhật thủ tiêu những chiến sĩ cộng sản cấp cao nên chúng ta phải tìm mọi cách vượt ngục trong thời gian sớm nhất.

Cuộc vượt ngục Hỏa Lò năm 1945 ảnh 1

Từ trái sang: Đồng chí Đỗ Mười, Trần Văn Cử và Hoàng Phong đứng trước cửa cống thoát ở Trại J Khu di tích Hỏa Lò – nơi cách đây 60 năm, các đồng chí vược ngục bằng cống ngầm.

Ngay hôm sau, chi bộ Hỏa Lò bàn bạc các phương án thoát ngục Hỏa Lò. Đêm 11-3, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao như Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc, Nguyễn Văn Kha (tức Trủy), Châu Ký, Nguyễn Chương (sau này là Phó ban Tuyên huấn Trung ương) đã vượt tường nhà lao cao gần 8m, thoát ra ngoài bằng cách nối các chăn đơn vào với nhau thành sợi dây. Bọn địch sau đó đã canh gác rất cẩn thận và dùng đèn pha chiếu dọc bờ tường. Vì thế, chuyện vượt ngục qua tường là rất khó.

Anh Đỗ Mười và anh Trần Tử Bình (sau này là thiếu tướng quân đội) được chi bộ Hỏa Lò phân công ở lại tổ chức các cuộc vượt ngục tiếp theo. Một hôm, hai anh gọi tôi ra dặn dò: “Cậu là người Hà Nội, vốn quen thổ địa nên cố tìm cho được đường cống ngầm thoát ra ngoài. Phải hết sức cẩn thận, nhớ đừng để bị lộ, vì đây là thời cơ có một không hai!”. Tôi “Dạ!” nhưng bụng lại thấy lo vì đã từng trông thấy lòng cống rất nhỏ.

Tôi đem nỗi băn khoăn này nói lại anh Bình: “Đường cống hẹp quá, khó chui lọt lắm anh ạ!”. Anh Bình nói gần như chỉ thị: “Cậu đừng đoán mò như thế, đi xem thử rồi về báo cáo lại, không được bàn chùn!”. Trưa ngày 12-3-1945, chờ vắng bóng viên giám thị, tôi và anh Trần Văn Cử ra sân, mở nắp cống, chui thật nhanh xuống. Đoạn đầu cống quả là chật hẹp thật, nhưng khéo bò, khéo trườn thì tới chỗ ống cống rộng hơn, có thể đi khom được.

Trong cống tối thui và càng vào sâu, gián càng nhiều, mùi hôi đặc quánh đến ngộp thở. Tới một ngã ba, tôi chợt nghe tiếng chân người phía trên đầu và nhìn thấy ánh sáng lọt qua khe hở nắp cống. Tôi biết đã ra tới ngoài đường, nhưng không biết ở phố nào. Chúng tôi lập tức trở về trại báo với các anh trong chi bộ và phương án vượt ngục bằng cống ngầm được vạch ra chi tiết hơn.

Ngay tối 21-3, tốp đi đầu gồm các anh Trần Tử Bình, Phan Lang (sau này là Phó ban Thanh tra Chính phủ), Nguyễn Tuân (sau là Thứ trưởng Bộ Điện Than) và tôi nhanh chóng thoát xuống cống ngầm. Vừa lên khỏi mặt đất, ngẩng đầu nhìn lên, tất cả tá hỏa: chúng tôi đang đứng ngay chân tường Hỏa Lò, phía trên là bót gác! May sao không tên lính nào đứng canh, thật hú vía!

Tốp của anh Cử dẫn các anh Cao Đàm (sau này là Phó ban Nông nghiệp Trung ương) và anh Đỗ Mười đi cách khá xa nhóm chúng tôi và lần lượt các tốp khác đều thoát được ra ngoài bằng cống ngầm. Những năm hòa bình lập lại, tôi mới biết có hàng chục đồng chí vượt ngục thành công, trở về các địa phương trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám…

Thoát khỏi cửa cống, nhóm chúng tôi đi về hướng thị xã Hà Đông. Bầu trời hôm đó tối đen như mực, ánh đèn xung quanh leo lét nên kẻ địch không thể phát hiện được chúng tôi từ xa. Cái rét tháng ba thật quái ác, gió bấc thổi từng cơn kèm theo mưa phùn và sương muối, làm ai nấy rét run cầm cập.

Thấy anh em bụng đói, chân đi không vững nữa, anh Bình bảo mọi người tìm một gò cao tạm ngả lưng… Sang canh ba, chúng tôi lại vội vã lao về hướng làng Vạn Phúc (thuộc thị xã Hà Đông), móc nối với cơ sở Xứ ủy Bắc Kỳ đang trú đóng tại đây. Thế là thoát!

Mọi người tạm lánh ở nhà ông Túc và được biết trước đó vài tiếng, các anh Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Phan Trọng Tuệ vừa rời khỏi nơi này. Đến điểm tập kết an toàn, chẳng ai bảo, cả 4 anh em cùng quay nhìn về hướng Hà Nội. Ngắm Hà Nội lúc bình minh sao thấy nhiều cảm xúc quá. Tôi chợt nhận ra: bầu trời Hà Nội vẫn nhiều mây đen lắm, nhưng phía Đông đã bắt đầu hừng lên một chút rồi…  

TUẤN SƠN
(Ghi theo lời kể của ông Hoàng Phong, nguyên Phó Giám đốc Trường Tuyên huấn Trung ương - Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục