Tại sao phải thực hiện sơ chế tại nguồn? Khi nào TPHCM sẽ áp dụng biện pháp chế tài đối với các trường hợp không hợp tác? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để làm rõ các nội dung trên.
* Bà NGUYỄN HUỲNH TRANG: Với dân số hơn 10 triệu người, TPHCM là thị trường tiêu thụ đặc biệt quan trọng của khu vực phía Nam và cả nước. Theo đó, để đảm bảo việc thu gom, phát luồng và phân phối hàng hóa lưu lượng lớn, đa dạng chủng loại, đủ sức đáp ứng nhu cầu cho thị trường bán lẻ lớn nhất cả nước thì lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý, khai thác và vận hành các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn TP; trong đó đặc biệt quan tâm hệ thống 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn, chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu tại các cửa ngõ của TP. Ba chợ này cũng là điểm trung chuyển, đảm bảo quá trình lưu thông hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ luôn được thông suốt. Cụ thể ở đây là việc cung ứng hàng hóa cho 236 chợ truyền thống, 213 siêu thị, 48 trung tâm thương mại và hơn 2.395 cửa hàng bán lẻ hiện đại trên địa bàn TP.
Với quan điểm cốt lõi của Quy hoạch phát triển ngành thương mại TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là: “Phát triển thương mại để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn, đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đến với người tiêu dùng; qua đó, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TPHCM với các tỉnh, thành; hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại quốc tế ở khu vực Đông Nam Á”. Do vậy, để triển khai quan điểm này, TPHCM định hướng tập trung hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp 3 chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm, du lịch khu vực phía Nam. Trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh môi trường tại 3 chợ.
Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, ngành công thương TPHCM tập trung triển khai công tác sơ chế hàng hóa nông sản có nguồn gốc từ các tỉnh, thành bạn đang phân phối tại 3 chợ đầu mối, góp phần kéo giảm lượng rác thải đưa vào TP; đồng thời đảm bảo việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản thực phẩm, làm cơ sở quan trọng để xây dựng 3 chợ đầu mối trở thành trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm theo chủ trương TP đề ra.
* Bà có thể nói rõ hơn về hiện trạng rác thải từ việc sơ chế hàng nông sản tại 3 chợ đầu mối?
* Hiện nay, lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về các chợ đầu mối tại TPHCM ngày càng nhiều, đồng nghĩa lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu là từ hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói các loại rau, củ, quả bị héo úa, giập nát, hư hỏng… Điều này vừa gây ô nhiễm môi trường sống vừa mang nhiều nguy cơ phát sinh các nguồn bệnh và gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Công thương, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm hiện nay tại 3 chợ đầu mối ước hơn 9.000 tấn/ngày đêm, trong đó chiếm 80% là lượng hàng nông sản. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối ước khoảng 240 tấn, trong đó gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ.
Theo tính toán, 3 chợ này phải tốn chi phí bình quân 8,5 tỷ đồng/năm cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ.
TP tốn chi phí xử lý rác rất lớn, trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ nông nghiệp. Nếu như việc sơ chế được khuyến khích thực hiện tại nguồn thì đối với nông dân hầu như chỉ tốn công chứ không tốn thêm chi phí phân bón cho cây trồng và đối với 3 chợ đầu mối sẽ làm giảm đáng kể chi phí xử lý lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ quá trình sơ chế. Đối với những phần thừa, không sử dụng của nông sản mà vẫn vận chuyển vào TP, do không được sơ chế tại nguồn ngay sau khi thu hoạch, thì làm tăng chi phí vận tải, đó là chưa kể đến chi phí vận chuyển hàng hóa hư hỏng do còn để xá chưa đóng gói bao bì... Nói như vậy để thấy rằng nếu TPHCM và các tỉnh, thành phối hợp làm tốt thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các bên.
* Được biết, công tác sơ chế tại nguồn đã được thực từ năm 2018, tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành công thương trong năm 2019. Bà có thể đánh giá sơ bộ kết quả của công tác này?
* Đúng như vậy, năm 2018 chúng tôi đã làm và sẽ tiếp tục làm trong những năm tiếp theo. Chúng tôi cũng xác định đây là công việc đòi hỏi sự kiên trì, bởi lẽ chúng ta không chỉ thực hiện bằng mệnh lệnh để có thể thay đổi thói quen kinh doanh từ bao đời nay của các nhà vườn, thương nhân. Do vậy, trong những tháng đầu năm 2018, chúng tôi tập trung tuyên truyền và hướng dẫn cách làm đến thương nhân tại 3 chợ đầu mối. Từ tháng 7-2018, sở đã làm việc với 2 tỉnh có nguồn cung lớn cho TPHCM là Lâm Đồng và Bến Tre. Vừa qua, chúng tôi tiếp tục làm việc với tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk để cùng tìm tiếng nói chung trong việc sơ chế hàng nông sản tại nguồn.
Như vậy, sau 1 năm thực hiện, công tác sơ chế tại 3 chợ đầu mối đã đạt được kết quả sơ bộ, không còn thực hiện sơ chế trong nhà lồng chợ như trước đây, nhờ đó lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ mặt hàng rau củ quả đã giảm đáng kể. Cụ thể, tại chợ Bình Điền, lượng rác thải giảm từ 10% - 20%/tháng, hiện còn khoảng 30 - 40 tấn/ngày (trước đây 45 - 60 tấn/ngày); tại chợ Hóc Môn, lượng rác thải giảm khoảng 15%/tháng, tương đương 12,5 tấn/ngày đêm; tại chợ Thủ Đức, lượng rác thải giảm khoảng 49%, tương đương 31,4 tấn/ngày đêm. Nếu sơ chế sẽ giảm đuợc chi phí vận chuyển, giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản, từ đó nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.
* Trong quá trình thực hiện, TP gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
* Như tôi đã nói, thực hiện sơ chế, đóng gói là chương trình rất có ý nghĩa, tác động đến nhiều mặt của kinh tế - xã hội TP, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân. Nhưng để thực hiện thành công là điều không dễ dàng, mà cần có thời gian, sự phối hợp đồng bộ và thực hiện quyết liệt giữa các bên từ nhà nước, đến cung ứng, phân phối và người sản xuất. Cũng không dễ dàng loại bỏ thói quen bê nguyên si sản phẩm thu hoạch trên đồng ruộng rồi đưa thẳng về các chợ tiêu thụ. Do vậy, trước khi triển khai, TP cũng đã tập trung triển khai sâu rộng và lựa chọn từng mặt hàng đưa vào diện sơ chế chứ không làm đại trà. Đến cuối năm 2018, TP đã yêu cầu các thương nhân chỉ kinh doanh sản phẩm đã được sơ chế đối với 2 mặt hàng là cà rốt và củ cải trắng và nay đang triển khai đối với bắp cải, cải thảo và một số mặt hàng khác.
Điều quan trọng, khi chúng tôi làm việc với các tỉnh đã nhận được sự đồng thuận rất cao. Thương nhân tại 3 chợ đầu mối đã vào cuộc mạnh mẽ nên tôi tin cách làm này đi đúng hướng.
* Có trường hợp nào bị từ chối nhập hàng vào chợ chưa? Khi nào thì chính thức áp dụng các biện pháp chế tài đối với những trường hợp không thực hiện?
* Có chứ, nhất là những mặt hàng như bắp cải. Chúng tôi yêu cầu ban quản lý các chợ có quyền từ chối những trường hợp không thực hiện sơ chế, vì từ tháng 5-2018 TP đã thực hiện chủ trương sơ chế mặt hàng này khi đưa vào chợ. Tuy nhiên, do chưa ban hành những quy định, tiêu chí, điều kiện cụ thể cho từng nhóm mặt hàng nên đã xảy ra tình trạng chợ này từ chối nhưng chợ khác lại nhận. TPHCM đang tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành để xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu chất lượng và quy cách đóng gói cho từng mặt hàng cụ thể, tiến tới truy xuất nguồn gốc.
Dự kiến đến cuối quý 3-2019, TPHCM sẽ không cho hàng nông sản chưa qua sơ chế nhập chợ. Nếu chúng ta phối hợp làm tốt, sẽ phát huy tiềm năng và thế mạnh của các bên trong việc phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo cung cầu hàng hóa hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến hàng “dội chợ, rớt giá”.
* Xin cảm ơn bà!
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, song song với việc triển khai công tác tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện sơ chế hàng nông sản cho thương nhân, nhà cung cấp, Sở Công thương đã đặt hàng các doanh nghiệp, Hiệp hội Nhựa và cao su TPHCM nghiên cứu và sản xuất các loại rổ đựng hàng hóa, palette bằng nhựa có thể mở và xếp gọn sau khi dùng, phù hợp với từng ngành hàng, mặt hàng trong quá trình vận chuyển và bốc xếp, nhằm làm giảm mức thiệt hại ở mức thấp nhất. |