Hòn đảo Bali xinh đẹp và thơ mộng của Indonesia đã không làm dịu những cái đầu nóng của các quan chức Trung Quốc tại cuộc họp Nhóm công tác chung ASEAN-Trung Quốc về thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) diễn ra tuần qua. Và họ đã phạm sai lầm nghiêm trọng trên bàn đàm phán quốc tế: đánh giá thấp đối tác khi họ đưa ra những lập luận hoàn toàn trái ngược với hành động thực tế mà nghĩ rằng cộng đồng quốc tế có thể không nhận ra.
Bình luận về thái độ của Trung Quốc, tạp chí The Diplomat viết “Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu đi đàm phán” và nhấn mạnh “Trung Quốc hành xử như một tên thực dân thế kỷ 16… Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền hơn 90% vùng biển nằm giữa Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á, nơi có khoảng một nửa kim ngạch thương mại toàn cầu đi qua”. Tờ báo đã kết luận: “Trung Quốc khẳng định không đàm phán, không có khái niệm nào về COC hay Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Có lẽ đây là lúc tạm dừng các cuộc đối thoại cho đến khi Trung Quốc chấp nhận cách tiếp cận thực tế hơn, phù hợp với một cường quốc chính hiệu của thế giới trong thế kỷ 21”.
Không phải ngẫu nhiên, công luận quốc tế nhấn mạnh từ “cường quốc chính hiệu”. Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tính theo GDP từ năm 2010. Nhưng kể từ đó, sau hơn 20 năm tăng cường quan hệ với các quốc gia láng giềng, Bắc Kinh bắt đầu có hành động đe dọa sử dụng vũ lực trong các vấn đề tranh cãi về chủ quyền với các nước lân bang.
Và công luận cũng cảnh giác hơn bao giờ hết với những động thái của Trung Quốc. Vì vậy tháng 6-2011, các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi Trung Quốc hãy hành xử xứng đáng là một cường quốc mới nổi. Đáp lại lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, ông Hồ Cẩm Đào, nhắc lại chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thế kỷ 21 rằng sẽ cho thế giới thấy một cường quốc phát triển trong hòa bình.
Thế nhưng, tiếp sau tuyên bố của ông Hồ Cẩm Đào, ở biển Đông, tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam, bắt tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam, đưa giàn khoan dầu thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam; gây hấn với Philippines, gây hấn với Nhật Bản trong vùng biển Hoa Đông.
Và mới đây nhất, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa các tàu hải giám, tàu đánh cá vỏ sắt ngăn chặn các tàu Việt Nam đang thực thi pháp luật trong vùng biển Việt Nam, rồi liên tục từ chối đề nghị đối thoại của Việt Nam, thì người kế nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào là ông Tập Cận Bình vẫn tuyên bố Trung Quốc mong muốn giải quyết các bất đồng bằng con đường đàm phán hòa bình.
Cách đây ít hôm, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari đang ở thăm Trung Quốc đã cực lực phản đối Bắc Kinh công bố bản đồ mới (theo chiều dọc, gồm 10 đoạn “nuốt” gần trọn biển Đông) trong đó thể hiện phần lãnh thổ Arunachal Pradesh, thuộc bang Đông Bắc Ấn Độ - như một phần thuộc Tây Tạng của Trung Quốc.
Vậy mà trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm 60 năm ký hiệp định Panchsheel với Ấn Độ về tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau, trước mặt ông Hamid Ansari, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói: “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách áp đặt ý chí của mình lên các nước khác cho dù có mạnh đến đâu, rằng trước sau như một, Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường phát triển hòa bình vì đây cũng lợi ích của Trung Quốc, lợi ích của châu Á và của cả thế giới”.
Căn cứ vào hành động của Trung Quốc, có thể thấy cảnh báo của The Diplomat rất xác đáng. Dùng từ cường quốc chính hiệu, The Diplomat muốn nói rằng “muốn xưng cường quốc thì phải hành xử xứng với một cường quốc chính hiệu”, phải có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, phải tôn trọng luật pháp quốc tế, còn phải biết giữ chữ tín nữa nghĩa là nói đi đôi với làm… Đâu phải ngẫu nhiên các cường quốc luôn là những quốc gia được tham khảo ý kiến khi giải quyết các vấn đề nóng bỏng của thế giới.
VIỆT TRUNG