
Ngày 20-11, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết trừng phạt cướp biển Somalia đang hoành hành dữ dội, gieo rắc kinh hoàng cho nhiều tàu hàng khi đi qua vịnh Aden. Các nước đang điều động tàu chiến đến khu vực này với mục đích chung chống cướp biển.
- Toàn thế giới cùng chống cướp biển
Thống kê từ đầu năm đến nay cho biết, hải tặc Somalia đã thực hiện hơn 90 vụ tấn công vào các tàu hàng của nhiều nước trên thế giới, bắt giữ 36 tàu và hơn 300 thủy thủ của 25 nước. Hiện cướp biển Somalia đang giữ 15 chiếc tàu tại các sào huyệt của chúng dọc bờ biển Somalia.
Vụ cướp mới đây nhất và được đánh giá là táo tợn nhất xảy ra vào ngày 15-11: tàu Sirius Star của Saudi Arabia bị tấn công trong lúc đang chở 2 triệu thùng dầu thô ước tính 100 triệu USD trên Ấn Độ Dương. Con tàu có kích thước bằng 3 sân bóng đá và nặng gấp 3 lần hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Cảnh sát Puntland bắt giữ một nhóm cướp biển Somalia tại Bassaso.
Sự lo ngại đã làm các chủ tàu tính toán một lộ trình vòng qua mũi Hảo Vọng Nam châu Phi dài ngày hơn và tốn kém nhiều chi phí. Theo ước tính của các chuyên gia, mỗi chuyến đi của tàu chở dầu tránh vịnh Aden sẽ làm lộ trình dài thêm 12 - 15 ngày, phí tổn khoảng 20.000 - 30.000 USD/ngày.
Thế giới liên tục bày tỏ sự quan ngại. Nguồn tin của Top Cat Marine Security, cơ quan của Mỹ hợp tác với Chính phủ Somalia trong tổ chức đấu tranh chống hải tặc, cho biết: phần lớn hoạt động của các toán hải tặc đều đặt dưới sự kiểm soát của một “tàu mẹ” có biệt danh là “Flagman”.
Chính “tàu mẹ” này đã điều phối hoạt động của những canô siêu tốc với những toán cướp được trang bị vũ khí tối tân đến tận răng. Bởi thế, các lực lượng quốc tế chống hải tặc trước hết phải xác định được vị trí “tàu mẹ” và bằng mọi cách tiêu diệt nó. Thực tế cho thấy chỉ các hạm đội của Mỹ, Nga và châu Âu mới có đủ sức mạnh giáng trả bọn hải tặc sừng sỏ và liều lĩnh như thế.
Một đội tàu của NATO gồm các tàu khu trục Mỹ, Italia, tàu khu trục nhỏ của Đức, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh và nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc đang có mặt tại Somalia với nhiệm vụ ưu tiên là bảo vệ các tàu của Chương trình Lương thực thế giới đang thực hiện sứ mệnh cung cấp khẩu phần ăn cho 3 triệu người Somalia đói khát. Vị trí mà các tàu chiến quan tâm là vịnh Aden, nằm giữa Somalia và Yemen, nơi 20.000 tàu thương mại đi qua mỗi năm trên đường vào, ra kênh đào Suez - tuyến hàng hải nhanh nhất từ châu Á tới châu Âu và châu Mỹ.
3 tàu của NATO và Nga, cũng như 15 tàu chiến từ lực lượng hải quân đa quốc gia đang tuần tiễu ngày đêm trên vịnh Aden. Các tàu chiến Mỹ “trông coi” tàu chở xe tăng bị cướp biển chiếm giữ trong khi những tàu vũ trang khác thì tuần tra khắp vùng biển nguy hiểm của Somalia. Các tàu chiến này đã thiết lập một hành lang bảo vệ chạy qua vịnh Aden.
Ngày 19-11, tàu chiến Ấn Độ lập 2 chiến công đánh chìm một con tàu nghi ngờ là “tàu mẹ” của cướp biển Somalia và ngăn chặn thành công một vụ tấn công khi họ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên vịnh Aden. Lực lượng tuần tra của Pháp đã bắt giữ 9 tên cướp biển trên vịnh Aden và giao nộp chúng cho các nhà chức trách Somalia. Cùng lúc đó, hải quân Anh kịp thời cứu một tàu chở hàng Đan Mạch và bắt giữ 8 - 9 tên cướp biển.
Tuy nhiên, các vụ tập kích quân sự nhằm giành lại một chiếc tàu bị cướp có tính mạo hiểm rất cao và cho tới giờ vẫn là chuyện hiếm. Hàng ngày có rất nhiều thuyền bè qua lại, số tàu chiến nước ngoài ở khu vực này không đủ để kiểm soát được toàn bộ an ninh trong vùng biển bao la này. Và điều này đã tạo cơ hội cho hải tặc lộng hành.
Nhờ vào khoản tiền 30 triệu USD thu được trong những phi vụ tấn công các tàu chở hàng thời gian qua, cướp biển Somalia đang sống rất sung túc tại quê nhà. Nơi trú ẩn của cướp biển Somalia là khu vực thuộc bờ biển ở miền Trung và Bắc như: Harardhere, Eyl và Bossaso thuộc Puntland.
Phần đông hải tặc có tuổi từ 20 – 35 và chúng gia nhập đội quân này vì tiền. Điều đáng quan ngại, nhiều người dân đã đồng ý với nhận xét: “Xét về nhiều khía cạnh, cướp biển được xã hội chấp nhận, và dường như trở thành mốt”.
- “Trang bị hiện đại”
Nhà phân tích các vấn đề Somalia, Mohamed Mohamed cho rằng, những tên cướp biển thường có nguồn gốc từ 3 nhóm sau: các cựu ngư phủ - những người được coi là bộ não của mọi hoạt động vì họ biết rõ biển khơi; các cựu dân quân từng tham gia một loạt các cuộc xung đột sắc tộc phe phái; các chuyên gia kỹ thuật rành về máy tính và biết vận hành các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của cướp biển như điện thoại vệ tinh, thiết bị định vị toàn cầu (GPS) và các loại khí tài. 3 nhóm này chia sẻ lợi lộc ngày càng gia tăng từ các khoản tiền chuộc của các công ty vận chuyển hàng hải có tàu bắt giữ.
Giám đốc Trung tâm Thông tin về hải tặc thuộc Cục Hàng hải quốc tế (IMB) Noel Choong cho biết, thoạt đầu nạn hải tặc chỉ bùng phát dọc theo bờ biển phía Nam Somalia, nhưng bắt đầu chuyển hướng hoạt động sang phía Bắc vào cuối năm 2007, và đang mở rộng phạm vi hoạt động từ phía Bắc sang phía Đông vịnh Aden nhằm khống chế toàn bộ khu vực này.
Bọn cướp biển Somalia đặc biệt hung tợn và luôn sẵn sàng sử dụng bạo lực. Chúng thường xuyên truy đuổi các con tàu bằng canô cao tốc và nã đạn về phía các con tàu bị truy đuổi. Vũ khí của bọn cướp biển rất đa dạng, từ AK-47 súng máy, đến vũ khí hạng nặng như súng phóng lựu đạn, rốc-két. Ngoài canô cao tốc, bọn cướp biển còn có nhiều phương tiện công nghệ cao như điện thoại vệ tinh để hỗ trợ hoạt động đánh cướp.
Năm 2008, chiến thuật tấn công của cướp biển đã phát triển rất linh hoạt và phức tạp. Trong quá khứ, cướp biển thường sử dụng các tàu cao tốc nhỏ đi cướp các tàu ở vùng biển gần bờ. Nhưng nay, chúng sử dụng “tàu mẹ” đi ra xa ngoài khơi. Xuất phát từ những chiếc “tàu mẹ” này, các tàu con nhỏ hơn và canô cao tốc tỏa ra khắp nơi trên biển nhằm truy tìm và tấn công các tàu chở hàng và chở khách.
Khi phát hiện “con mồi” chúng liên lạc với nhau và thỏa thuận phương thức tấn công một cách nhanh chóng. Sau đó, chúng cho tàu áp sát và bất ngờ tràn vào các khoang tàu làm các thủy thủ trở tay không kịp. Đối với những “con mồi cứng đầu”, chúng dùng rốc-két để uy hiếp. Một chuyên gia nhận định: “Bọn cướp biển ngày càng chuyên nghiệp, hung hãn và tinh thông chiến lược hơn”.
Bọn chúng thường đòi tiền chuộc tàu bằng USD, để dễ dàng sử dụng các khoản “tiền đen” mua thêm tàu cao tốc, vũ khí và công nghệ hiện đại
THANH HẰNG (Tổng hợp)