Cựu chiến binh và ước mong nâng cao đời sống người dân

1.
Cựu chiến binh và ước mong nâng cao đời sống người dân

1. Phục viên vào năm 1981 trong giai đoạn đất nước khó khăn trăm bề, ông Phạm Nhì (ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) mưu sinh bằng nhiều công việc nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn vất vả. Năm 1986, sau chuyến đi thăm đồng đội ở ĐBSCL trở về, ông Nhì nhận thấy mặt hàng dây xích (lòi tói) được bà con vùng sông nước sử dụng nhiều.

Có ít kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Nhì biết rằng sản xuất dây xích thì vốn đầu tư rất ít, lại dễ làm nên ông trình bày ý tưởng với Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) quận Bình Thạnh. Nghe qua phác thảo của ông Nhì, Hội CCB quận chấp thuận cho ông vay ngay 15 triệu đồng với một yêu cầu: “tạo thêm việc làm cho các CCB khác”.

Ông Nhì kể: “Giúp đỡ đồng đội cũng là tâm nguyện của tôi, vì thế cái xưởng sản xuất của tôi tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng có trên 10 anh em CCB. Nhờ ai cũng chăm chỉ, nhờ làm ăn uy tín nên dần dần các cơ sở lớn như Võng xếp Duy Lợi, Võng xếp Duy Phương, Võng xếp Trường Thọ, Võng xếp Ban Mai… đều đặt hàng của tôi, mỗi tháng đến 7 tấn dây xích.

Hội CCB TPHCM cho biết: “Bắt đầu từ năm 1982 khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần V đi vào cuộc sống với chương trình “Xóa đói giảm nghèo” ra đời, đến nay đã có 57.817/57.839 hội viên CCB thoát nghèo. Không những tạo ra vật chất cho gia đình và xã hội, các CCB còn tích cực hỗ trợ lẫn nhau theo đúng di chúc của Bác Hồ: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển KT-XH, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
 

Cựu chiến binh Hồ Huy (bìa phải) và lãnh đạo TPHCM tại lễ tổng kết 16 năm xóa đói giảm nghèo của Hội Cựu chiến binh TPHCM. Ảnh: QUÝ LÂM

Cựu chiến binh Hồ Huy (bìa phải) và lãnh đạo TPHCM tại lễ tổng kết 16 năm xóa đói giảm nghèo của Hội Cựu chiến binh TPHCM. Ảnh: QUÝ LÂM

2. Không những vậy, theo Hội CCB TPHCM, rất nhiều hội viên CCB không những thoát nghèo mà còn trở nên khá giả, giàu có, trở thành giám đốc, tổng giám đốc, chủ nhiệm HTX hay các nhà kinh doanh giỏi. Và ở những người lính, cái tâm với đồng đội cũ lúc nào cũng thể hiện cao hơn lợi nhuận trong kinh doanh. CCB Hồ Huy là một điển hình như vậy.

Xuất thân là một người lính Sư đoàn 304, sau đó công tác trong nhiều lĩnh vực, đến năm 1993, ông Huy sáng lập Công ty TNHH Mai Linh với… 2 chiếc xe và 18 nhân viên, đa số là CCB. Cũng do từng là lính nên trong nghệ thuật kinh doanh của ông Huy đều có sự nghiêm túc và chuyên nghiệp… đầy chất lính.

Chính vì vậy chỉ sau vài năm kinh doanh taxi, uy tín của Mai Linh đã được thể hiện qua việc không chèo kéo khách, tính đúng - tính đủ tiền cước, tài xế tham gia bắt cướp, tài xế trả lại tài sản cho khách… Cũng rất dễ dàng nhận thấy trong số 15.000 nhân viên của Mai Linh hiện nay, đa số đều là bộ đội, công an xuất ngũ. Họ được ưu tiên tuyển dụng và chất lính trong họ cũng phát huy rất mạnh khi Mai Linh còn có công đoàn, Đoàn TNCS và tổ chức Đảng.

Con số 5.600 đầu xe hiện có ở Mai Linh thể hiện rằng ông Huy là một CCB kinh doanh tài năng. Và con số trên 33 tỷ đồng làm công tác xã hội, từ thiện (từ năm 2004) đến nay thể hiện ông Huy là một người lính nghĩa tình. Có lẽ ông cũng không chú ý lắm đến những lời khen tặng nhưng xã hội biết rằng ông Huy đang làm đúng mong ước của Bác Hồ, ít nhất là đối với đồng đội của mình.

3.
Chỉ riêng phong trào CCB giúp nhau chỗ ở, đã có 250 căn nhà tình nghĩa, 919 căn nhà tình thương được xây dựng; 228 căn nhà dột nát được lợp tole, sửa chữa… với tổng chi phí gần 13 tỷ đồng. Điển hình như thương binh Nguyễn Văn Lực bị cụt chân, mất 80% sức lao động (phường 12, quận 3).

“Khởi nghiệp” từ việc hớt tóc, thấy anh Lực gương mẫu, là người tốt, lại nghèo khổ, sức khỏe kém nên Hội CCB phường bảo lãnh cho anh làm khâu kiểm hàng ở Công ty Trilimex. Chưa dừng lại, Hội CCB còn vận động xây tặng anh Lực một ngôi nhà tình nghĩa. Có nhà ở, có vợ, anh Lực quyết tâm làm giàu bằng cách vay vốn mở cửa hàng inox gia dụng. Anh tâm tình: “Tôi phải thoát nghèo để chứng minh rằng mình là “thương binh tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ dạy. Sau đó là trả ơn cuộc đời, trả ơn đồng đội cưu mang giúp đỡ”.

Ban đầu do chưa quen biết thị trường, anh Lực phải mày mò sản xuất rồi đi chào hàng, bán “gối đầu” nhiều nơi. Thấy anh cởi mở, chí thú làm ăn, lại là thương binh, nhiều đối tác bắt đầu tin tưởng đặt hàng do Lực sản xuất. Biết thị trường luôn thay đổi thị hiếu, hàng ngày anh đều lân la tìm hiểu nhu cầu, đêm về lại mày mò sáng chế kiểu dáng hàng hóa mới… nên càng được nhiều bạn hàng biết đến. Trở nên khá giả và đóng góp các khoản thuế cho địa phương, anh Lực còn chủ động tìm đồng đội để giúp đỡ, hỗ trợ vốn. Phụng dưỡng cha mẹ già yếu đâu vào đấy, anh Lực còn chăm sóc 2 con học rất giỏi và luôn được khen tặng là “cháu ngoan Bác Hồ”. Riêng bản thân anh cũng vừa được Đảng bộ phường 12 tín nhiệm bình chọn là “Điển hình làm theo gương Bác”.

“Những năm sau ngày hòa bình, dù có sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp nhưng do đất nước bị tàn phá, lại đang bị bao vây cấm vận nên những CCB trở về đời thường đa số là nghèo (50%), trong đó 10% anh em thuộc diện đói. Đặc biệt với những thương binh nặng với tỷ lệ mất sức 70% - 80% thì rất cực khổ thiếu thốn. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần V đề ra: “Phấn đấu từng bước thu hẹp dần số hộ nghèo, mở mang sản xuất, mở rộng và quản lý tốt các hoạt động từ thiện…” đã đi vào cuộc sống bằng chương trình “Xóa đói, giảm nghèo”. Đến nay, tỷ lệ hội viên CCB nghèo chỉ còn 0,04% tổng số CCB ở TPHCM”. 

MINH ANH

Tin cùng chuyên mục