Cứu lấy phá Hạc Hải

Phá Hạc Hải tại hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) rộng hàng ngàn hécta với hệ sinh thái nước lợ phong phú. Tuy nhiên, hiện lòng đầm phá đang bị thu hẹp do trồng lúa tự phát, khiến việc tiêu thoát lũ vô tác dụng.

Phá Hạc Hải tại hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) rộng hàng ngàn hécta với hệ sinh thái nước lợ phong phú. Tuy nhiên, hiện lòng đầm phá đang bị thu hẹp do trồng lúa tự phát, khiến việc tiêu thoát lũ vô tác dụng.

Phá Hạc Hải từng có tiếng một thời như đầm phá Tam Giang ở Thừa Thiên - Huế khi có hệ thủy sản phong phú, đa dạng, nuôi sống hàng triệu người dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Hiện nay, do khai thác không có chiến lược quy hoạch, mạnh ai nấy lấn chiếm khiến lòng phá Hạc Hải bị băm nát thành nhiều mảnh vì dân be bờ đắp đập, nguồn nước ứ đọng, dẫn đến các khu dân cư quanh phá vào mùa hè gặp hạn hán, còn mùa mưa nước khó tiêu thoát.

Ông Nguyễn Tuyên Huấn, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), cho biết: “Xã có diện tích mặt nước đầm phá khá lớn, ngoài người dân các thôn ra phá quai đê, đắp đập làm ruộng thì các xã khác như Hoa Thủy (Lệ Thủy), Vạn Ninh, Gia Ninh (Quảng Ninh)... cũng ra lấn chiếm, khiến diện tích vùng phá ở đây thu hẹp lại”. Nông dân Nguyễn Xuân Sang cho biết: “Hơn chục năm trước vì khó nghèo mà ra ngoài phá làm lúa, mỗi năm tôi nộp thuế hơn 10 triệu đồng cho xã. Hiện tính công cán, giống, phân… còn lời chẳng bao nhiêu nhưng bỏ thì uổng”.

Đi một vòng trên các triền đê quanh phá Hạc Hải mới thấy, ngoài hệ thống đê điều của Nhà nước xây dựng có chủ đích thì người dân tự quai đê riêng quá nhiều, tạo ra hệ thống chi chít các thửa ruộng cục bộ, khó tiêu úng dẫn đến đất đai vùng phá ngày mỗi bạc màu. Ông Nguyễn Văn Thế, Bí thư Đảng ủy xã Vạn Ninh, cho hay: “Người dân tự phát quai đê đắp đập, mỗi năm xã thu vào khoảng 200 triệu đồng thuế đất, nhưng cũng trả giá không ít cho môi trường, thuốc trừ sâu đổ xuống đây khiến thủy sản như các loài tôm, cua đồng, rạm nước lợ, các loài cá, rồi chim trời như sâm cầm, vịt trời, gà nước… dần biến mất và hiện rất hiếm”. Ngoài ra, người dân hàng chục xã quanh phá sử dụng rà điện để đánh bắt cùng thả đăng lưới nhỏ cũng tận diệt rất nhiều loài thủy sản ở đây. Ông Nguyễn Văn Đỏ ở xã Gia Ninh ngậm ngùi: “Tôi mưu sinh trên sông nước. Ngày xưa cứ đi nửa ngày đã đầy ghe cá mú, cua rạm; còn chừ đi cả ngày may ra chỉ đủ ăn. Họ lấn chiếm, đánh bắt bằng kích điện thì con chi cũng chết. Hạc Hải bị phá nát vô tội vạ rồi”.

Theo lãnh đạo các xã, Bộ NN-PTNT đã có dự án xây dựng hệ thống đê thượng Mỹ Trung chạy bao vùng cao quanh phá Hạc Hải để ngăn mặn, chỉ làm lúa ở vùng trong đê, không phát triển lúa ở vùng ngoài đê nhằm giúp hệ sinh thái ngoài đê được hồi sinh để chim cá có môi trường trở lại. Thế nhưng, ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình, cho biết: Dự án đê thượng Mỹ Trung có chiều dài 80km, với vốn đầu tư từ năm 2008 là 11 triệu USD đã hoàn thành. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay khi mục tiêu cuối cùng của dự án là mở đập Mỹ Trung ở hạ du sông Kiến Giang không được thực thi, khiến luận chứng phục hồi đầm phá cũng… phá sản.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục