“Cứu thoát” 2 ca bệnh mạch vành phức tạp

Tại Bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương, các bác sĩ trong đơn vị Tim mạch can thiệp (Khoa Tim mạch) kết hợp bác sĩ Nagamatsu Wataru đến từ Nhật Bản vừa can thiệp thành công 2 ca bệnh mạch vành phức tạp.

Tại Bệnh viện Cấp Cứu Trưng Vương, các bác sĩ trong đơn vị Tim mạch can thiệp (Khoa Tim mạch) kết hợp bác sĩ Nagamatsu Wataru đến từ Nhật Bản vừa can thiệp thành công 2 ca bệnh mạch vành phức tạp.

Bệnh nhân nam Lê Ngọc S., 51 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau ngực. Khoảng 3 tháng trước, bệnh nhân bị đau ngực và đã được chụp mạch vành, phát hiện hẹp động mạch liên thất trước (LAD) và động mạch vành phải (RCA). Bệnh nhân đã được can thiệp và đặt 1 stent vào nhánh động mạch liên thất trước. Riêng động mạch vành phải đã được các bác sĩ trong nước cố gắng can thiệp 2 lần nhưng đều không thành công do sang thương hẹp dài, vôi hóa và có bóc tách tự nhiên. Vì vậy, các bác sĩ đã quyết định xếp bệnh nhân vào chương trình can thiệp với chuyên gia Nhật Bản. Sau hơn 2 giờ thủ thuật, với sự hỗ trợ của các dụng cụ chuyên dụng và kinh nghiệm dày dặn, bác sĩ Nagamatsu Wataru cùng nhóm phẫu thuật đã can thiệp thành công và đặt 1 stent phủ lên sang thương trên nhánh mạch vành.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Võ Văn Đ., 63 tuổi, cũng nhập viện do đau ngực. Khoảng 2 tháng trước, bệnh nhân bị đau ngực và đã được chụp mạch vành phát hiện hẹp động mạch mũ (LCX) và tắc mạn tính (CTO) động mạch vành phải (RCA). Bệnh nhân đã được can thiệp và đặt 1 stent vào nhánh động mạch mũ. Riêng động mạch vành phải do đã có tuần hoàn bàng hệ từ động mạch vành trái nên được điều trị nội khoa. Tuy nhiên, dù đã uống thuốc đầy đủ, bệnh nhân vẫn còn mệt và đau ngực khi làm việc nhẹ, nên đã được Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương xếp vào chương trình can thiệp với chuyên gia Nhật Bản. Cũng như ca đầu tiên, bác sĩ Nagamatsu Wataru đã can thiệp thành công.

Can thiệp mạch vành qua da là một trong những phương pháp chính để tái thông mạch vành. Tuy nhiên, những sang thương phức tạp, sang thương tắc mạn tính luôn là thử thách cho thủ thuật viên. Can thiệp mạch vành bắt nguồn từ phương Tây, nhưng cho đến nay, các bác sĩ Nhật Bản lại đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực can thiệp sang thương mạn tính. Với sự phát triển hàng loạt các dụng cụ chuyên dùng, những phương pháp can thiệp độc đáo cộng với sự nhẫn nại (những ca can thiệp sang thương mạn tính có thể kéo dài đến 5 giờ), các chuyên gia Nhật Bản có tỷ lệ can thiệp sang thương mạn tính thành công rất cao (90% - 95%). Chính vì vậy, việc hợp tác với những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm như bác sĩ Nagamatsu Wataru để can thiệp những ca bệnh khó là một cơ hội rất tốt cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ của bệnh viện trong nước. 

TRẦN THANH TUẤN

Tin cùng chuyên mục