Năm nay, sự kiện này mang chủ đề “Time for Nature” cho thấy sự cấp thiết thúc đẩy con người hành động vì môi trường, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng mà con người phải đối mặt với thiên nhiên.
Tập trung vào đa dạng sinh học
từ trước tới nay. Ảnh: AP
Theo các dự báo của LHQ, các diễn tiến tiêu cực đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học sẽ làm suy yếu tới 80% tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ liên quan đến nghèo đói, y tế, tiêu dùng, sản xuất bền vững, nước, đô thị, khí hậu, đại dương và đất đai. Hiện nay, 1 triệu loài thực vật và động vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Đây là thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết để các quốc gia trên thế giới tập trung vào vấn đề đa dạng sinh học, phát triển các chính sách ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật.
Tháng 3 vừa qua, rạn san hô Great Barrier ở Australia đã trải qua đợt tẩy trắng trên phạm vi rộng nhất từ trước tới nay. Bao phủ diện tích khoảng 348.000km2, rạn san hô Great Barrier được công nhận là di sản thế giới năm 1981 với hệ sinh thái rộng lớn và đặc biệt nhất trên hành tinh. Theo chuyên gia Terry Hughes, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu rạn san hô (ARC) thuộc Đại học James Cook, gần như chắc chắn rằng rạn san hô này sẽ không thể phục hồi về trạng thái 5 năm trước đây, nên việc phục hồi về 30 năm trước càng là điều xa vời.
Các chính phủ khẩn trương hơn
Một nghiên cứu được công bố trên Tập san của Viện hàn lâm Khoa học Brazil mới đây cho biết, hệ sinh thái của rừng rậm nhiệt đới Amazon đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các loại bệnh tật lây từ động vật sang con người. Các nhà khoa học cho rằng, những thay đổi tiêu cực trong quần xã sinh vật tại Amazon do nạn phá rừng gây ra đã làm tăng nguy cơ bùng phát các dịch bệnh. Cơ quan Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Brazil (INPE) đưa ra số liệu thống kê cho thấy, diện tích rừng Amazon bị tàn phá tại nước này trong 4 tháng đầu năm nay đã hơn 1.202km2, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức kỷ lục ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 kể từ năm 2016.
Đại dịch Covid-19 khiến toàn cầu lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có kể từ Thế chiến II. Tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, giới hoạt động bảo vệ môi trường, giới kinh tế, giới chính trị đã có nhiều vận động để kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19 phải gắn liền với nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế “xanh”. Chuyển sang kinh tế xanh cũng được nhiều nhà khoa học coi như là con đường giảm bớt nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, khiến nhiều loài virus nguy hiểm tấn công xã hội con người.
Vào đầu tháng 5, gần 100 lãnh đạo nhiều công ty hàng đầu nước Pháp ký một tuyên bố chung trên Báo Le Monde, khẳng định theo cùng một hướng “Chúng ta hãy đặt môi trường vào trung tâm của kế hoạch chấn hưng kinh tế”. Theo đài RFI, các vận động gắn chấn hưng hậu Covid-19 với kinh tế xanh diễn ra ít tuần trước sẽ là quyết định quan trọng của Liên minh châu Âu về chủ đề này, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 6-2020.