(SGGPO).- Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây, cây dâu tây Đà Lạt đã bị chết hàng loạt khiến diện tích loại cây đặc sản này bị giảm nghiêm trọng.
Triệu chứng của bệnh là cháy mép lá, rễ thối đen, một số cây héo cả phần thân, lá héo cụp xuống, uốn cong và chết. Theo kết quả giám định của Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp -Phát triển nông thôn), tác nhân gây bệnh thối rễ, héo thân dâu tây là do nấm Pythium spp, gây cháy lá là do nấm Gloeosporium sp. Pythium spp là loại nấm tồn tại trong đất, tấn công vào hệ rễ làm rễ bị thối, làm mạch dẫn của thân bị biến màu, thâm lại, cây không thể hút nước và dinh dưỡng làm thân và lá bị héo. Trong điều kiện đất khó thoát nước sẽ phát sinh bệnh nặng khiến cây chết. Còn nấm Gloeosporium sp gây bệnh thán thư trên lá, thường phát sinh trong điều kiện nóng, ẩm.
Bệnh nấm làm diện tích canh tác cây dâu tây tại Đà Lạt chỉ còn khoảng 40ha (trước đây khoảng trên 100ha), khiến giá dâu tây tăng kỷ lục.
Dâu tây loại thường bán ra tại chợ Đà Lạt vào sáng 16-11 đã lên mức 90.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Loại dâu xả (bị sâu, héo một phần quả) trước đây giá chỉ khoảng 3.000 – 5.000 đồng/kg, thì nay đã tăng lên 25.000 đồng/kg. Riêng loại dâu tây chất lượng cao, bán cho các siêu thị hoặc nhà hàng hạng sang tại TPHCM thì có giá cao gấp nhiều lần so với loại bán tại chợ Đà Lạt.
Tin, ảnh: Nam Viên