Đà Lạt sẽ có phố sách cũ ?

Vài năm trở lại đây, ở Đà Lạt các hiệu sách cũ mọc lên ngày một nhiều và người mua ngày càng đông. Sách cũ đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc bởi sự phong phú và đa dạng: từ các loại giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo đến tạp chí, tuần báo, nhật báo…
Đà Lạt sẽ có phố sách cũ ?

Vài năm trở lại đây, ở Đà Lạt các hiệu sách cũ mọc lên ngày một nhiều và người mua ngày càng đông. Sách cũ đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc bởi sự phong phú và đa dạng: từ các loại giáo trình, sách giáo khoa, sách tham khảo đến tạp chí, tuần báo, nhật báo…

Sự xuất hiện của nhiều hiệu sách cũ ở Đà Lạt xuất phát từ nhu cầu thực tế: Người Đà Lạt hôm nay ngày càng thích đọc và khao khát thông tin. Trước hết, lực lượng mua sách ở đây chủ yếu là sinh viên các trường Đại học Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Trung tâm Đào tạo Bồi dưỡng tại chức tỉnh Lâm Đồng.

Nhu cầu sách cho sinh viên rất lớn, trong khi đó thư viện của các trường chỉ mới đáp ứng được một phần, nên việc sinh viên “nhịn ăn” để đổ xô về các hiệu sách cũ là điều tất nhiên xảy ra.

Đà Lạt sẽ có phố sách cũ ? ảnh 1

Một hiệu sách cũ ở Đà Lạt.

Hiện nay hiệu sách mới ở Đà Lạt chưa nhiều, giá sách lại khá đắt so với túi tiền của sinh viên. Một cuốn sách mới có giá 20.000đ, trong khi cũng cuốn sách đó ở hiệu sách cũ giá chỉ 7.000đ - 8.000đ. Mặt khác, vào hiệu sách cũ, sinh viên có thể tìm thấy những tài liệu tham khảo có giá trị xuất bản cách đây mấy thập kỷ mà không dễ gì tìm thấy ở các hiệu sách mới.

Sách cũ không chỉ thu hút giới sinh viên mà còn thu hút cả giới nghiên cứu, các thầy cô là giảng viên đại học. Họ có thể tìm thấy ở đây những ấn phẩm có giá trị, cần thiết đối với các nhà nghiên cứu như: các loại tạp chí cũ từ hàng chục năm trước, các loại sách tiếng Nga…

Còn về phía người kinh doanh? Có thể nói buôn bán sách cũ đang là nghề sống được với mức tiêu thụ trung bình 15-25 cuốn/ngày. Anh Huỳnh Ngọc Thạch, chủ hiệu sách Ngọc Tiến, cho biết “thời điểm sách bán chạy là vào đầu năm học, khi sinh viên trở lại sau kỳ nghỉ hè”.

Theo ông Đoàn Văn Nguyệt, chủ hiệu sách cũ Tại chức, từng có hơn 10 năm lăn lộn trong nghề: “Nghề này dễ sống, ít vốn và ít rủi ro. Tuy không giàu nhưng cuộc sống khá ổn định”. Người mua có cầu và người bán có cung, hiện nay ước tính có hơn 10 hiệu sách cũ tập trung ở khu vực đường Bùi Thị Xuân, quanh trường Đại học Đà Lạt. Một số khác còn bày bán sách bên lề đường, dưới những gốc thông trước cửa trường.

Nguồn cung cấp sách cũ cho các hiệu sách chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh. Mỗi tháng đôi ba lần các chủ hiệu về thành phố Hồ Chí Minh để “hốt sách”. Ngoài ra, sách thanh lý ở thư viện các trường, sách của các trí thức, sinh viên “đã xài xong” hoặc những sinh viên “vì kẹt tiền”… cũng mang đến các hiệu sách cũ.

Rõ ràng, sự xuất hiện ngày càng nhiều những hiệu sách cũ ở Đà Lạt đã tạo thêm một nét văn hóa riêng cho thành phố du lịch cao nguyên này. Và, với đà phát triển như hiện nay thì không lâu nữa những hiệu sách cũ Đà Lạt sẽ hợp thành một phố riêng: phố sách cũ. 

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục