Đà Lạt ùn ứ hàng ngàn tấn rác

Chỉ hơn một năm hoạt động, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt đã ùn ứ hàng ngàn tấn rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đà Lạt ùn ứ hàng ngàn tấn rác

Chỉ hơn một năm hoạt động, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt đã ùn ứ hàng ngàn tấn rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo phản ánh của hơn 40 hộ nông dân tại thôn Trường An, xã Xuân Trường (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), thời gian qua, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt (thuộc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mỗi khi trời mưa, rác thải, nước thải màu đen mùi hôi thối trên nhà máy chảy tràn xuống đồi, vào vườn khiến cây trồng bị chết. Bùn còn tràn xuống dòng chảy của suối Dục. Ghi nhận tại khu vực nhà máy, chúng tôi thấy hàng ngàn tấn rác thải chất đống. Những “núi” rác đã xử lý hoặc chưa xử lý, phần lớn không được che phủ, mỗi khi mưa xuống, nước thải cứ thế tràn ra khu vực xung quanh khiến người dân bức xúc. Ông Lương Văn Ngự, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, cho biết ngay sau khi tiếp nhận thông tin, đoàn kiểm tra của sở đã xuống ghi nhận, đánh giá mức độ ô nhiễm quanh khu vực nhà máy. Theo đó, tại khu vực tạm trữ rác thải có hiện tượng rác tràn xuống hai bên dốc sườn đồi; toàn bộ khu vực chứa rác không che bạt, nước rỉ rác theo mưa tràn xuống suối Dục, ra sông La Bá, rồi hồ Đa Nhim lãnh trọn.

Hàng ngàn tấn rác ùn ứ tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt

Theo ông Trần Uyên Diễn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, mỗi ngày tiếp nhận 180 - 200 tấn rác thải. Nhưng từ tháng 4-2014, phía điện lực cúp điện luân phiên các ngày trong tuần để di dời đường dây nên nguồn điện không ổn định, khiến một số máy móc trục trặc và việc phân loại, xử lý rác bị xáo trộn. Trung bình những ngày cúp điện sẽ có thêm 100 tấn rác không kịp xử lý, tổng cộng hiện có hơn 2.200 tấn rác chưa phân loại bị ùn ứ. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất, theo ông Trần Uyên Diễn, là mức giá hỗ trợ xử lý rác thải của tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 129.500 đồng/tấn, trong khi chi phí thực tế hơn 400.000 đồng/tấn. Vì vậy, từ khi đi vào vận hành, mỗi tháng công ty phải bù lỗ khoảng 1,3 tỷ đồng. Giá xử lý rác quá thấp nên việc kêu gọi hợp tác đầu tư từ bên ngoài rất khó khăn.

Trước những khúc mắc về giá xử lý rác cũng như công tác bảo vệ môi trường tại TP Đà Lạt, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đánh giá trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy Xử lý chất thải rắn TP Đà Lạt chưa khảo sát kỹ điều kiện khí hậu đặc thù tại địa phương, chưa có giải pháp khoa học trong xử lý môi trường. Thời gian sắp tới, công ty phải khẩn trương đầu tư thêm một dây chuyền xử lý rác mới (băng chuyền, lò đốt); bổ sung máy móc, thiết bị, hạng mục chế biến các sản phẩm từ rác (phân vi sinh, hạt nhựa...); đầu tư hoàn thiện phần thu gom, xử lý nước rỉ rác tập trung. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao Sở Tài chính tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thẩm định phương án giá do công ty đề xuất.

ĐOÀN KIÊN

Tin cùng chuyên mục