Tại làng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), khoảng 24 hộ dân miệt mài với công đoạn chăm sóc kỹ lưỡng để chuẩn bị cho vụ xuất bán hoa tết vào dịp cuối năm. Do tình hình mưa lũ, dịch bệnh, vài hộ trồng hoa tại đây bị thiệt hại do mất hoa giống kể từ đầu vụ.
Cũng vì vậy, năm nay, anh Trần Đình Lợi (SN 1978), nông dân tại làng hoa Vân Dương đã giảm số lượng đáng kể hoa chậu lớn như cúc pha lê, cúc đại đóa... Tập trung đầu tư vào hoa trang trí tiểu cảnh, anh Lợi nhận chăm sóc gần 30.000 chậu đỗ quyên, dạ yến thảo,... theo đơn đặt hàng.
Theo anh Lợi, đây có lẽ là mùa trồng hoa cuối cùng của gia đình ở vùng này. Năm tiếp theo, anh dự định trồng hoa tại khu quy hoạch mới.


Không chỉ hộ nhà anh Lợi, hiện nhiều hộ dân tại thôn Vân Dương rải rác trồng hoa chỉ để chờ hết mùa vụ năm nay. Dự kiến, khu trồng hoa Vân Dương mới sẽ được di chuyển về thôn Trường Định, giáp với đường lên xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Khu này sẽ giúp hơn 50 hộ dân tập trung phát triển hoa tết các loại nhằm đạt năng suất, chất lượng cao, góp phần phát triển du lịch vùng.
Tại làng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), với 23 hộ trồng hoa, nhiều nông dân cũng đang lo âu tìm chỗ tiêu thụ cho hoa tết.
Gia đình anh Ngô Quốc Đạt (SN 1984), người dân thôn Dương Sơn chỉ đầu tư chăm sóc 800 chậu cúc pha lê tầm trung, đến nay đã ra nụ. Thế nhưng, hoa vẫn nằm vườn chờ thương lái.
Anh Đạt cho biết, năm nay, giá cả các chậu hoa vẫn không đổi, tuy nhiên phân bón lên giá cao mà đến giờ vẫn chưa có thương lái đến đặt mua. Người nông dân như anh cảm thấy rất lo lắng... Vì vậy, anh cũng nghĩ đến việc bán hoa tết qua mạng xã hội.

“Trước khi bắt tay vào trồng hoa tết, chúng tôi cũng đã rất e dè giảm số lượng xuống, nhưng trước tình hình này cũng vẫn rất lo lắng. Năm nay, nhiều người dân sẽ chọn mua sắm qua kênh online, trang thương mại điện tử để được giao hàng tại nhà thay vì đi mua trực tiếp, tập trung đông vì lo ngại dịch bệnh. Dĩ nhiên, mấy hộ nông dân chúng tôi cũng phải học hỏi để theo kịp xu thế này”, anh Đạt tâm sự.
Để có giá bán cho phù hợp với túi tiền của người mua, gia đình chị Lương Thị Tuyết Mai, người dân làng hoa Vân Dương chủ động tìm cách thay đổi kích cỡ của chậu cây. Chậu cúc pha lê nay chỉ có số ít chậu đường kính lớn 1,2m, còn lại là cỡ chậu 40-60cm. Đồng thời, chị cũng phải tìm cách chăm sóc, phun thuốc sâu, chong điện thắp sáng để giúp cây sinh trưởng, nở đúng vào dịp tết.

Bên cạnh đó, chị cũng trồng một vài chậu hoa lưu ly, dạ yến thảo. “Nếu thị trường tết ảm đạm, vắng bóng thương lái ngoại tỉnh thì tôi vẫn có thể cung cấp cho các quán cà phê vườn nhà dưới phố bởi nguồn cầu khá lớn. Hiện đã có nhiều mối quen chốt đơn, chỉ chờ tới ngày đến chở hoa về”, chị Mai cho hay.
Năm nay dự kiến tiếp tục sẽ là một năm đầy khó khăn với người nông dân. Hoa thì nằm vườn “ngóng” thương lái trong khi chỉ còn chưa đầy 15 ngày nữa là Tết Nguyên đán.
Các tin, bài viết khác
-
Trồng lúa hữu cơ mở ra hướng canh tác bền vững cho nông dân Quảng Trị
-
Liên kết nâng giá trị nông sản
-
An Giang: di dời bè nuôi cá để giảm tình trạng chết tràn lan
-
IFC đầu tư 52 triệu USD sản xuất đàn heo gần 1 triệu con mỗi năm tại Việt Nam
-
Tan tác vựa cam Cao Phong
-
Quảng Ngãi: Dịch bệnh gia súc, gia cầm bùng phát mạnh
-
Tìm đầu ra ổn định cho nông sản
-
Huyện cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang): Trồng sả cho hiệu quả kinh tế cao
-
Lâm Đồng: Phải cam kết bảo vệ môi trường khi san gạt để sản xuất nông nghiệp
-
Gạo Việt Nam tăng tốc xuất khẩu sang ASEAN