Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án “Thành phố 4 an”

Sáng 27-12, Ban thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” của Ban Thường vụ Thành ủy và kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ thị số 48-CT/TW của  Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.
Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án “Thành phố 4 an”

(SGGPO).- Sáng 27-12, Ban thường vụ Thành ủy thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” của Ban Thường vụ Thành ủy và kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chỉ thị số 48-CT/TW của  Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Công Trí, Phó Bí Thư Thường trực thành ủy cho biết, từ năm 2000 thành phố đã ban hành chương trình “Thành phố 5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có tệ nạn ma túy, không giết người cướp của). Đến năm 2005, thành phố tiếp tục ban hành chương trình “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị).

Qua quá trình thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều thành tựu tích cực. Trong đó, đến năm 2009, nhiều mục tiêu ban đầu của các chương trình này đã thành hiện thực, cùng với đó là nhiều chủ trương, chính sách khác cũng được thành phố triển khai mang lại nhiều hiệu quả, góp phần hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, bền vững.

Nhưng trong quá trình thực hiện, TP cũng đối diện với nhiều vấn đề bức xúc, trong đó các vấn đề liên quan đến tệ nạn xã hội, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội trở thành những vấn đề nóng mà các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân TP hết sức quan tâm, bức xúc. Chính vì vậy, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2016-2020) đã khẳng định quyết tâm xây dựng TP Đà Nẵng văn minh, hiện đại, trong đó có mục tiêu xây dựng một thành phố an bình, phát triển hiện đại.

Trên cơ sở đó, ngày 30-11-2016, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thông qua Quyết định số 2526-QĐ/TU ban hành Đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn Đà Nẵng đến năm 2020.

Đại diện các lãnh đạo địa phương trên địa bàn TP Đà Nẵng ký cam kết thực hiện đề án “Thành phố 4 an"

Đề án thực hiện Chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 hướng đến mục tiêu chung là cân đối các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng TP Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác phòng ngừa và đấu tranh đẩy lùi tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng an sinh xã hội. Đề án cũng hướng đến những mục tiêu cụ thể trên các lĩnh vực an ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm và An sinh xã hội.

Để thực hiện Đề án, TP đã đặt ra nhiều giải pháp, trong đó cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng trên 4 lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội. Đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng Đề án đến toàn bộ đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân trong quá trình thực hiện đề án. Xây dựng triển khai thực hiện bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại các cơ quan, đơn vị địa phương, trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng yêu cầu các sở ban ngành, quận, huyện cần triển khai thực hiện đề án một cách rộng rãi, tránh việc hô hào, ký kết, quán triệt rất nghiêm nhưng cấp dưới sao nhãng, cán bộ đảng viên nhận thức không đầy đủ, người dân thờ ơ.

Ông Xuân Anh nhắc nhở: 7 quận huyện đã ký kết thi đua thì phải làm tốt việc triển khai thực hiện đề án. Chủ tịch, Bí thư quận nào làm tốt sẽ được khen thưởng xứng đáng, cân nhắc đề bạt, bổ nhiệm và đây sẽ là tiêu chí để đánh giá cán bộ. Ngược lại nếu người đứng đầu quận, huyện làm không tốt sẽ bị điều chuyển và thay thế. Do đó, cần ban hành tiêu chí đánh giá, đồng thời thành lập bộ phận thường trực theo dõi đôn đốc việc thực hiện đề án. Các cấp các ngành cũng cần cân đối nguồn lực, kinh phí để thực hiện. Tùy vào tình hình cụ thể, mỗi địa phương có thể điều chỉnh việc triển khai chương trình phù hợp với thực tế, với mục tiêu sớm đưa xây dựng Đà Nẵng thành thành phố an bình theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố.

Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã quán triệt, triển khai Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm xã hội trong tình hình mới; đồng thời thông qua các kế hoạch thực hiện Quyết định số 2526-QĐ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.  

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục