Ngày 10-7, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT); Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 2 bị can Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty MobiFone) và Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT-TT) vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan tới dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). “Phi vụ” này là một trong những đại án kinh tế kéo dài hơn 2 năm nay được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. Vì thế, những động thái trên khiến người dân cả nước một lần nữa cảm thấy vững tin vào sự quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi công dân dù ở vị trí nào cũng đều phải bình đẳng trước pháp luật và phải chịu sự xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII tới nay, chưa bao giờ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lại quyết liệt và mang lại nhiều kết quả to lớn, đem lại niềm tin và kỳ vọng trong nhân dân đến vậy. Qua hơn 25 kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cán bộ cao cấp vi phạm, thậm chí kể cả những cán bộ đang là Ủy viên Trung ương hay Ủy viên Bộ Chính trị.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều vụ án lớn mà dư luận băn khoăn, nghi ngại hoặc tưởng chừng đi vào ngõ cụt đều được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm khắc như: sai phạm của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); vụ Hà Văn Thắm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank); vụ án Châu Thị Thu Nga; vụ Phạm Công Danh giai đoạn 2... và gần đây là vụ án liên quan tới Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) ở Đà Nẵng, vụ án liên quan tới ông Trần Bắc Hà tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Không những vậy, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được đẩy mạnh vào những ngành được coi là “nhạy cảm” từ trước đến nay. Đó là việc phanh phui vụ đánh bạc, bảo kê đánh bạc qua mạng lên tới hàng ngàn tỷ đồng liên quan tới lãnh đạo cấp tướng, cấp tá của Bộ Công an; hay việc Bộ Quốc phòng đẩy nhanh điều tra vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”); công khai những sai phạm của một số lãnh đạo cấp cao tại Quân chủng Phòng không - Không quân... Thực tế đó đã ngày càng minh chứng rõ ràng rằng cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang thực sự không có “vùng cấm”.
Trên nóng, quyết liệt, nhưng dưới thì sao? Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cho thấy, nhân dân vẫn băn khoăn khi tham nhũng, tiêu cực còn hoành hành, gây thiệt hại lớn. Không ít vụ án kinh tế, vụ việc tiêu cực có liên quan tới nhiều cán bộ, đảng viên vẫn chưa bị xử lý dù lâu nay đã có nhiều dư luận. Tệ hơn nữa là tình trạng “lò đã cháy” ở Trung ương nhưng ở dưới địa phương vẫn im ắng và nguội lạnh, khiến người dân bức xúc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây trong phát biểu tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng đã chỉ rõ, một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm trong phòng chống tham nhũng. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân và doanh nghiệp... Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng…
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, không chỉ gây tổn thất to lớn về kinh tế mà còn thiệt hại về chính trị và xã hội khó lường. Vì thế, nếu không trị được “giặc nội xâm” thì lòng dân sẽ khó vững bền. Để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực ngay từ địa phương và cơ sở, cùng với việc hoàn thiện thể chế, phải tập trung xây dựng bộ máy, lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ có tài, có đức. Bởi lẽ, cán bộ là cái gốc, nếu lựa chọn không đúng, để người thoái hóa biến chất, tham ô, tiêu cực chui vào bộ máy thì ngay cả những vụ việc tham nhũng vặt, vụ án nhỏ cũng khó phát hiện và xử lý. Đồng thời các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải thật sự tiên phong, gương mẫu; sử dụng sức mạnh tổng hợp của tổ chức đảng, bộ máy nhà nước, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chống “giặc nội xâm” phải đúng như lời nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy... không thể đứng ngoài được”.