Đại biểu phải lắng nghe dân, bám sát hơi thở của cuộc sống

Ban hành Hiến pháp 2013 và hơn 100 đạo luật

Ngày 9-3, phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc. Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 21-3 tới.

Ban hành Hiến pháp 2013 và hơn 100 đạo luật

Theo báo cáo, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành trọng trách xây dựng và thông qua bản Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa đầy đủ đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đồng thời, đã kế thừa và phát triển các giá trị cốt lõi, nền tảng của các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992; bổ sung, làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn nhiều nội dung mới, quan trọng, phù hợp với đường lối của Đảng và thực tiễn phát triển đất nước. Hiến pháp 2013 là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đồng bộ về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước và hội nhập quốc tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cùng với đó, Quốc hội khóa XIII đã ban hành một khối lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn nhất từ trước đến nay với tinh thần khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã tập trung xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hơn 100 luật, bộ luật, cơ bản hoàn thành hệ thống pháp lý về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy nhà nước, thể chế kinh tế thị trường, luật pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng quyết định việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 sát thực tiễn hơn; tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả... Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh một số nội dung và giải pháp đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh...

Trong thực hiện chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, góp phần đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, thực chất hơn. Hoạt động giám sát, cùng với hoạt động lập pháp đã tạo ra chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy Nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề dân sinh bức xúc. Thông qua giám sát, nhiều hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành của các ngành, các cấp được phát hiện; nhiều kiến nghị qua giám sát đã được các cơ quan nghiêm túc thực hiện, tạo chuyển biến tích cực, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Đại biểu phải ở trong dân

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội mang trong mình chức năng nhiệm vụ mà nhân dân giao, mang ý chí nguyện vọng của nhân dân, để đưa ra diễn đàn Quốc hội và đã làm tròn trách nhiệm đối với cử tri. Do vậy, báo cáo cần nêu rõ các bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đại biểu Quốc hội phải là dân, ở trong dân, thế mới xứng đáng là đại biểu Quốc hội. Nghe dân phản ánh trong tiếp xúc trước và sau kỳ họp, nghe dân phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng để hoàn thiện hoạt động của Quốc hội. Không lắng nghe dân, bám sát hơi thở của cuộc sống thì không có cơ sở để hoạt động. Nếu làm tốt tinh thần ấy, thì mọi đại biểu sẽ được dân ủng hộ, đồng tình. “Ta xây dựng pháp luật cũng là nói về nhân dân, phải thể hiện tinh thần giám sát, lắng nghe dân. Mình là ắc quy, dân là điện. Nếu nạp vào mới chạy được, còn nếu hết điện thì không thể chạy được... Dân sáng suốt chọn ra đại biểu Quốc hội thì cố gắng thể hiện vai trò của cử tri, của Mặt trận trong việc lựa chọn, bầu ra và hoạt động”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, trong khóa vừa qua, tình hình biển Đông, đặc biệt là sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam là sự kiện chính trị lớn, Quốc hội cũng có hoạt động quyết liệt khi xảy ra sự kiện này, góp phần ổn định tình hình. Do vậy nên đưa vấn đề này vào báo cáo.

                  Từ ngày 4-4 đến 16-4, Quốc hội xem xét, quyết định nhân sự

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra từ ngày 21-3 đến 16-4. Trong đó, từ ngày 4-4 đến 16-4, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước sau khi có quyết định của các cấp có thẩm quyền. Chương trình cụ thể sẽ được trình Quốc hội tại phiên họp trù bị của kỳ họp khóa 11.

Dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 7 dự án luật gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015; xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; quyết định kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016 - 2020... Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục