Đại ca... trả nợ rừng

Một thời từng được mệnh danh “đại ca lâm tặc”, sau đó tiếp tục trở thành “đại ca đá đỏ”... cộng thêm bao thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng anh trở thành ông vua trồng rừng. Bây giờ ngồi ngẫm lại đời mình, sao vinh quang chả thấy mà đắng cay thì nhiều đến thế.
Đại ca... trả nợ rừng

Một thời từng được mệnh danh “đại ca lâm tặc”, sau đó tiếp tục trở thành “đại ca đá đỏ”... cộng thêm bao thăng trầm của cuộc đời, cuối cùng anh trở thành ông vua trồng rừng. Bây giờ ngồi ngẫm lại đời mình, sao vinh quang chả thấy mà đắng cay thì nhiều đến thế. Đó chính là lời tâm sự của Phan Bá Giang xã Châu Bình - Quỳ Châu (Nghệ An).

  • Từ “lâm tặc”...

Chiều tà, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của anh nằm ven Quốc lộ 48. Phải chờ đến xẩm tối mới thấy anh chui từ trong rừng ra. Trong căn nhà nhỏ ấy, Giang đã hồi tưởng lại ký ức của mình một thời... Giang vốn là người miền xuôi (huyện Đô Lương). Những ngày đầu đến vùng đất lạ, chẳng bao lâu cảm giác hãi hùng bởi núi rừng âm u đã lùi xa, cậu bé miền xuôi đã hòa nhập với cuộc sống miền rừng. Trước là dân thợ may, nhưng từ khi đến Quỳ Châu, Giang bỏ nghề đi làm lâm tặc. Ban đầu tự tay Giang chặt gỗ rừng rồi vận chuyển về xuôi bán.

Đại ca... trả nợ rừng ảnh 1

Vợ chồng Phan Bá Giang đang ươm cây con để trồng rừng.

Những năm 1980, gỗ rừng Quỳ Châu còn dễ khai thác. Hàng ngày, Giang kéo theo đội quân mấy chục người vào rừng chặt phá cây cối không hề thương tiếc. Chẳng mấy chốc, anh trở thành đại ca của giới “lâm tặc”. Giang tâm sự: Ngày đó mới lên miền đất mới nên cuộc sống vô cùng khó khăn, Giang phải chặt phá rừng kiếm gỗ để bán, chỉ mong kiếm được đồng tiền để nuôi các em ăn học.

Một thời gian sau, Giang bắt đầu chuyển sang buôn gỗ. Và trở thành trùm buôn gỗ lậu ở tuyến QL 48. Hàng tuần, Giang thuê xe chở gỗ ra Hà Nội bán kiếm lời, về ngang thị trấn Cầu Giát - Quỳnh Lưu (Nghệ An) mua gạo mang ngược lên Quỳ Châu, vì ngày ấy chưa có chợ như bây giờ. Mặc dù được mệnh danh là “đại ca lâm tặc” nhưng gia đình anh vẫn nghèo như bao gia đình khác nơi miền sơn cước.

  • ... Đến đại ca đá đỏ

Một thời gian sau, nhiều đầu nậu buôn gỗ lậu (cùng mối làm ăn với Giang) không thấy “ông trùm” hành nghề “lâm tặc” nữa mới đi tìm tung tích. Thì ra, một buổi chiều hè năm 1990, trên đường đi bán gỗ ở Hà Nội về, vừa xuống xe, Giang nghe người ta báo tin ở bản mình có người trúng đá đỏ. Thấy ngon ăn hơn nghề lâm tặc, lại sẵn có chút vốn liếng chuẩn bị mua xe máy để đi buôn gỗ, Giang liền dùng số tiền đó để mua đá rồi mang ra Hà Nội bán.

Ngày ấy, cậu đã gom mua được rất nhiều viên đá quý. Có lô hàng mua với giá 35 triệu đồng, khi mang ra Hà Nội bán được 72.000 USD. Cứ bán được đá là Giang lại mua vàng tích cóp Chẳng bao lâu chàng trai 27 tuổi này đã có trong tay trên 2 tỷ đồng. Từ đó, Giang có thêm một biệt danh mới: đại ca đá đỏ.

Cuối năm 1991, Giang quyết định mở cửa hàng vàng bạc mang tên Bắc Giang ngay ở mảnh đất bây giờ vợ chồng anh đang ở. Có tiền rồi, Giang giao cửa hàng cho em út cai quản, còn cậu bắt đầu lao vào con đường cờ bạc. Mỗi lần ra khỏi nhà, Giang mang đi một lượng tiền lớn để rồi đến khi hết sạch thì lại về lấy tiếp...

Lao theo máu đỏ đen, chẳng bao lâu, số tiền hàng tỷ đồng của Giang “đội nón” ra đi hết. Cửa hàng vàng phải đóng cửa. Lặng một thời gian, Giang lại trở về đòi gia đình đưa tiền cho mình. Không lấy được tiền, Giang quậy một trận tưng bừng rồi chán nản và bỏ nhà ra đi...

  • Trả lại “lá phổi” cho rừng

Lang thang khắp nơi, cuối cùng Giang tìm về quê. Khi chuyến xe dừng tại khu vực Lâm trường Đô Lương, Giang thấy các phóng viên truyền hình đang quay phim một đàn chim dày đặc bay về đậu nơi hồ nước tuyệt đẹp. Ngay trong lúc đó, trong đầu Giang đã có suy nghĩ: nơi đây rừng núi đẹp thế! Cũng tại buổi gặp gỡ ấy, một nhà báo có nói cho anh biết: Nhà nước đang có chủ trương khuyến khích bà con nông dân trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc...

Đại ca... trả nợ rừng ảnh 2

Phan Bá Giang (trái) cùng tác giả bên cánh rừng trồng của anh.

Không lên xe về quê nữa, anh trở lại Quỳ Châu và đã được địa phương nhất trí cho anh “trả nợ rừng”. Giang bắt đầu vác cuốc ra khoanh vùng những nơi người dân đào xới hoang tàn, nham nhở tìm đá đỏ để ươm mầm cây. Chẳng mấy chốc, anh và vợ đã trồng được 4 ha cây keo lai và bạch đàn. Thấy Giang trồng rừng, nhiều người dân Châu Bình cũng thi nhau ra khoanh vùng để trồng. Biết được bà con bắt đầu có ý thức trồng rừng, Giang tiếp tục ươm giống cây để cung cấp cho họ.

Năm 1993, Giang trồng được 10 ha. Đến năm 1998, tổng diện tích rừng do anh trồng được trên 50 ha. Giang cho biết: Sở dĩ trồng được nhiều như vậy là nhờ lấy tiền vốn bán cây con cứ bán cây được bao nhiêu tiền là anh đầu tư vào trồng rừng. Những năm tháng ấy, ngày nào vợ chồng anh cũng đầu tắt mặt tối, sáng dậy thật sớm để vào rừng trồng cây, chiều tối không thấy mặt người mới trở về. Vừa trồng rừng, Giang vừa học hỏi qua sách vở về cách chăm sóc và phát triển rừng.

Chẳng bao lâu, qua bàn tay của Giang, trên các ngọn đồi bị tàn phá trước đây màu xanh ngút ngàn đã phủ lấp.Tổng diện tích rừng trồng của Giang bây giờ đã trên 70 ha. Hàng chục hécta keo lai và bạch đàn đã chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Nhiều cây đã có đường kính 50 cm, nếu bán sẽ được giá 500.000 đồng/cây đối với loài bạch đàn, 1,2 triệu đồng đối với keo lai. Tính sơ bộ, trong tay anh đã có hàng chục tỷ đồng. Mặc dầu vậy, anh vẫn không ngừng ươm cây cung cấp cho đồng bào miền núi để tiếp tục phủ xanh những ngọn đồi trọc còn lại. Giang nói: “Hy vọng nay mai, tất cả những ngọn đồi nơi đây sẽ trở lại xanh tươi như trước ”. 

Chia tay Giang, chúng tôi xuôi theo QL 48. Hai bên đường là những khu rừng ngút ngàn, nơi mà cách đây không lâu là núi đồi nham nhở do nạn lâm tặc và khai thác vàng để lại. Màu xanh lá rừng là dấu ấn phục thiện của người đã từng lầm lỗi với rừng.

Nguyễn Hải Đăng

Tin cùng chuyên mục