Trong một bức thư, hơn 300 nhà lập pháp từ khắp nơi trên thế giới đã kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) xóa bớt nợ cho các nước nghèo, nhằm hỗ trợ chính phủ các nước này ứng phó với đại dịch Covid-19, đồng thời tăng cường các nguồn quỹ để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Các nghị sĩ từ 20 nước nhấn mạnh rằng, cần xóa bỏ lãi các khoản nợ của các nước nghèo nhất trên thế giới, thay vì đơn giản là tạm hoãn, theo như thỏa thuận của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 4 vừa qua. Các nước nghèo đang “cần tới từng xu” để chăm sóc cho người dân của họ, thay vì nỗ lực chi trả “các khoản nợ không bền vững” mà các nước này nợ những tổ chức tài chính quốc tế lớn. Họ nhất trí cho rằng, nếu quyết định xóa các nghĩa vụ thanh toán nợ không được đưa ra, các nước nghèo sẽ không thể ưu tiên toàn lực cho cuộc chiến chống dịch Covid-19, qua đó có thể dẫn đến sự gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng và thị trường tài chính toàn cầu. Các nhà lập pháp cũng kêu gọi Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB David Malpass hỗ trợ tạo ra các quyền rút vốn đặc biệt trị giá hàng ngàn tỷ USD.
Trong khi đó, IMF từng thông báo sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới và dễ bị tổn thương nhất, trong đó các khoản tài chính này sẽ gồm một phần chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế.
Còn theo báo cáo Đông Á và Thái Bình Dương thời Covid-19 số tháng 4-2020 của WB, đối với các quốc gia nghèo hơn, xóa nợ là cần thiết, để các nguồn lực quan trọng có thể được tập trung vào quản lý tác động kinh tế và y tế của đại dịch. Tại một số quốc gia, tác động của Covid-19 còn bị trầm trọng hóa thêm bởi những diễn biến đặc thù của quốc gia, như hạn hán ở Thái Lan. Tại các quốc đảo Thái Bình Dương, triển vọng năm 2020 còn phải chịu rủi ro rất lớn do nền kinh tế của họ phụ thuộc vào viện trợ, du lịch và nhập khẩu.
Cũng như IMF, WB cho biết đang xem xét các biện pháp mở rộng hỗ trợ cho các nước nghèo nhất. Ngày 15-5, WB đã công bố một gói bảo trợ xã hội trị giá 1 tỷ USD cho Ấn Độ để hỗ trợ người nghèo ở thành thị và lao động di cư. Tuy nhiên, WB cảnh báo rằng, việc từ chối thanh toán các nghĩa vụ nợ có thể gây tổn hại đến xếp hạng tín dụng và theo đó giảm khả năng cung cấp tài chính chi phí thấp cho các thành viên. Từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã hạ bậc triển vọng tín nhiệm của 42 quốc gia.