Nhân chuyến thăm Anh, Chủ tịch Trường Đại học Yale của Mỹ, giáo sư Richard Levin cho biết, các đại học hàng đầu của Trung Quốc sẽ sớm cạnh tranh với Oxford, Cambridge hay nhóm trường Ivy League. Phát biểu với tờ The Guardian, giáo sư Levin cho rằng, các viện đại học của Trung Quốc sẽ lọt vào danh sách 10 trường đại học hàng đầu thế giới trong vòng 25 năm tới, đẩy nhiều đại học danh tiếng khác của phương Tây ra ngoài danh sách này.
Hiện tại, các trường đại học của Anh đang chiếm đa số trong danh sách này. Trường Cambridge xếp thứ 2 sau Havard, Đại học Yale của Mỹ xếp thứ 3, Đại học London xếp thứ 4 và Oxford cùng Imperial College London đồng hạng 5. Nếu tính trong danh sách 15 trường hàng đầu thế giới thì các đại học Mỹ chiếm đa số.
Những vị trí cao nhất của Trung Quốc là Đại học Hồng Công (xếp thứ 24 trên thế giới), Đại học Thanh Hoa xếp thứ 49 (theo thống kê của tờ Times, Anh). Hàng tỷ nhân dân tệ đang được chính phủ Trung Quốc đầu tư vào các trường đại học, số tiền này chiếm 1,5% GDP của Trung Quốc, với mong muốn đưa các trường đại học như Bắc Kinh, Thanh Hoa vào danh sách hàng đầu thế giới.
Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giáo dục đại học lớn nhất thế giới chỉ trong vòng 10 năm. Số lượng các trường đại học của Trung Quốc tăng từ mức 1.022 trường lên đến 2.263 trường trong thập niên vừa qua, với hơn 6 triệu sinh viên theo học so với 1 triệu sinh viên vào năm 1997.
Nhiều học giả Trung Quốc đang rời các trường đại học ở Mỹ và Anh để trở về quê giảng dạy. Đến nay Trung Quốc là quốc gia có số sinh viên nước ngoài theo học đứng hàng thứ 6, với khoảng 200.000 mỗi năm.
Thế nhưng, tiếng nói từ người trong cuộc có vẻ khiêm tốn hơn. Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lời giáo sư Zhang Yiwu, Trường Đại học Bắc Kinh, cho rằng “Mặc dù có nhiều tiến bộ, song các cơ sở giáo dục Trung Quốc hiện nay vẫn còn bị ảnh hưởng từ môi trường tiêu cực”.
Theo ông, môi trường học viện Trung Quốc vẫn bị chi phối về lợi nhuận. Tư cách chính trị của các sinh viên, giáo sư và các nhà quản lý đại học đôi khi được đánh giá cao hơn là thành tựu về học thuật của họ.
Cùng quan điểm này, giáo sư Levin cho rằng, để tạo ra năng lực nghiên cứu mang tầm thế giới, đòi hỏi nguồn nhân lực không chỉ đầy đủ mà còn phải uyên thâm và xuất sắc về khoa học, chứ không thể dựa vào tính “sống lâu lên lão làng” hay bề dày chính trị của họ.
Cũng tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong một cuộc họp về biện pháp nâng cao tính hiệu quả của chính phủ hôm 26-1 lưu ý rằng “các trường đại học nên được giao quyền tự chủ nhiều hơn trong hoạt động của họ”.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, nước này đang quyết tâm đẩy mạnh xây dựng các đại học mang tầm thế giới và Trung Quốc hoàn toàn có đủ năng lực để làm điều đó. Nhưng ông nói, nếu không thay đổi, mọi cố gắng xây dựng nền đại học cấp tiến sẽ tiêu tan.
Vũ Minh