(Từ tháng 12-1986 đến tháng 6-1991)
Với những bước đi đổi mới từng phần theo chủ trương chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, những sáng kiến, sự năng động, sáng tạo của nhân dân đã làm cho nền kinh tế Việt Nam những năm 1981-1985 có bước phát triển khá. Độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia được giữ vững. Tuy vậy, tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân còn có nhiều khó khăn, khủng hoảng kinh tế vẫn trầm trọng. Tình hình đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Việt Nam phải quyết tâm đổi mới toàn diện và triệt để nhằm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 15 đến 18-12-1986, đã hoạch định đường lối đổi mới và mở đầu quá trình Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Tham dự đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên cả nước. Với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định những mặt làm được, phân tích sâu sắc những sai lầm, khuyết điểm, rút ra 4 bài học lớn và hoạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, mở ra bước ngoặt mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội VI xác định những mục tiêu cụ thể về nền kinh tế - xã hội cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.
Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI gồm 124 ủy viên chính thức và 49 ủy viên dự khuyết; bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết, bầu Ban Bí thư gồm 13 thành viên. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội VI cũng đã đề ra nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của chặng đường đầu tiên là “ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa trong chặng đường tiếp theo”.
Sau Đại hội VI, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Lương thực, hàng tiêu dùng thiếu trầm trọng, lạm phát tăng cao. Trước tình hình đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải kịp thời cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối đổi mới của Đại hội VI, sửa chữa những khuyết điểm trong lãnh đạo và chỉ đạo. Tháng 4-1987, Hội nghị Trung ương lần thứ 2 chủ trương giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông. Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (tháng 8-1987) quyết định “Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế”.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, sự khủng hoảng sâu sắc và trầm trọng diễn ra ở các nước xã hội chủ nghĩa, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (tháng 3-1989) đã đề ra 12 chủ trương, chính sách lớn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, đồng thời xác định các nguyên tắc chỉ đạo công cuộc đổi mới. Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (tháng 8-1990) đã thảo luận dự thảo cương lĩnh và sau đó lấy ý kiến của toàn Đảng, toàn dân trước khi trình Đại hội VII của Đảng.
Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận được coi trọng. Di sản tư tưởng Hồ Chí Minh bước đầu được nghiên cứu có hệ thống, nhân dịp Đảng ta tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (19-5-1890 – 19-5-1990), UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới.
MAI THẢO (Tổng hợp tư liệu)