Hôm nay 16-4, Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI khai mạc tại thủ đô La Habana. Đại hội lần này được kỳ vọng sẽ thông qua nhiều đề xuất cải cách quan trọng, trong đó nổi bật là các cải cách kinh tế, nhằm đưa đất nước Cuba tiến lên.
Những đề xuất mang tính bước ngoặt
Đảng Cộng sản Cuba hiện có 850.000 đảng viên trong tổng số 11,2 triệu dân. Tham gia Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI có 1.000 đại biểu. Trước giờ khai mạc đại hội, lễ diễu binh-diễu hành nhằm kỷ niệm lần thứ 50 Ngày chiến thắng Hiron và Tuyên ngôn về đặc trưng chủ nghĩa xã hội của cách mạng Cuba sẽ diễn ra tại Quảng trường Cách mạng, với sự góp mặt của hàng ngàn thanh niên Cuba.
Nhằm chuẩn bị cho đại hội, từ tháng 11 năm ngoái, “Dự thảo đường lối chính sách kinh tế và xã hội” của Cuba trong 5 năm tới đã được thảo luận và lấy ý kiến đóng góp tại các cơ quan lãnh đạo Đảng và Liên đoàn Lao động Cuba (CTC), tổ chức công đoàn duy nhất tại nước này. Sau đó, văn bản này được toàn dân thảo luận, đóng góp ý kiến từ ngày 1-12-2010 tới ngày 29-2-2011, thu hút hơn 7 triệu người dân trên toàn quốc tham gia.
Chủ tịch Raul Castro nhấn mạnh, dự thảo trên (dài 32 trang, gồm 300 đề xuất cải cách kinh tế) là “lộ trình hoàn thiện cũng như những thay đổi cần thiết đối với nền kinh tế Cuba”. Trong kế hoạch “cập nhật hóa mô hình kinh tế”, Cuba dự kiến sẽ cắt giảm 1,3 triệu lao động thuộc khu vực nhà nước (khoảng 20% người ở độ tuổi lao động), giải thể các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giảm tối đa các doanh nghiệp hoạt động chỉ với nguồn ngân sách nhà nước, mở rộng mô hình kinh tế tư nhân để kích thích sự cạnh tranh có lợi cho nền kinh tế. Bên cạnh đó là các đề xuất cắt giảm trợ cấp và chi tiêu ngân sách, thực hiện chính sách thu thuế mới.
Theo kế hoạch, nhà nước vẫn đóng vai trò hoạch định và kiểm soát nền kinh tế. Thời gian qua, Cuba đã mở thêm quỹ đất cho nông dân canh tác, tự quyết định về nuôi trồng và bán sản phẩm. Dự thảo cũng đưa ra đề xuất cắt giảm khẩu phần lương thực mà người Cuba được nhận, một chính sách mà theo Chủ tịch Raul là chưa kích thích sản xuất.
Một đề xuất cũng được chú ý trong dự thảo là tiếp tục khuyến khích sự tham gia của tư bản nước ngoài tại nước này, bổ sung thêm cho đầu tư nội địa trong các hoạt động mang lại lợi ích cho đất nước như phát triển sân golf, bến du thuyền và các khu nghỉ dưỡng hạng sang để thu hút khách. Trong kế hoạch tìm nguồn hỗ trợ dài hạn của Cuba còn có chương trình thăm dò dầu khí ngoài khơi, dự kiến bắt đầu từ năm 2011.
Hiện nay, nhiều người dân Cuba bày tỏ sự đồng tình với việc cần phải giải thể các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cho phép thành lập các hợp tác xã tư nhân để kích thích thực sự cạnh tranh có lợi cho nền kinh tế phát triển.
Chủ tịch Cuba Raul Castro cho rằng, cần phải có sự đồng thuận trong người dân để có thể tiếp tục tiến hành công cuộc cải cách. Ông đã yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo các ngành, các cấp lắng nghe dân chúng đánh giá về những thay đổi, đồng thời cũng kêu gọi nhân dân thẳng thắn đưa ra ý kiến, hoan nghênh những ý kiến mang tính xây dựng, kể cả ý kiến trái chiều.
Các bước đầu tiên trong đổi mới
Gần đây, Cuba đã tiến hành các bước đi đầu tiên trong quá trình đổi mới kinh tế, trước mắt là mở rộng mô hình kinh tế tư nhân. Chính phủ Cuba đã cấp hơn 80.000 giấy phép kinh doanh cho tư nhân, đồng thời cắt giảm nửa triệu viên chức nhà nước (10% lực lượng lao động), sửa đổi hệ thống thuế, từng bước dỡ bỏ chế độ tem phiếu, tiết kiệm tối đa trong lĩnh vực y tế và giáo dục, cho phép các hợp tác xã và tư nhân tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ngành du lịch.
Cuba có 3.700 doanh nghiệp, nắm giữ gần 90% kinh tế đất nước và nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Tổng Thanh tra Nhà nước Gladys Bejerano cho biết từ ngày 25-4 tới ngày 31-5 sẽ tiến hành kiểm toán 750 doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và thắt chặt quản lý kinh tế. Trong năm 2010, cơ quan kiểm toán đã phát hiện sai phạm trong 40% số các doanh nghiệp bị kiểm tra.
Thanh Hằng