Đại lộ Danh vọng của Hollywood được biết đến là nơi tôn vinh những nhân vật nổi tiếng vì những đóng góp của họ cho ngành công nghiệp giải trí. Tác giả truyện tranh nổi tiếng Stan Lee, “cha đẻ” của nhiều nhân vật điện ảnh trong những bộ phim bom tấn của Hollywood trong thời gian gần đây, đã vinh dự trở thành người đầu tiên “khai trương” Đại lộ Danh vọng năm 2011 với ngôi sao thứ 2.428 ghi tên mình.
Không chỉ được biết đến là một trong những tác giả viết truyện tranh lão làng của Mỹ, Stan Lee còn được biết đến vai trò là diễn viên, nhà sản xuất, nhà xuất bản, đồng thời là cựu Chủ tịch Tập đoàn Xuất bản truyện tranh hàng đầu Marvel Comics.
Sinh năm 1922, tại thành phố New York, Stan Lee có đam mê viết từ nhỏ. Thời niên thiếu, ông từng làm nhiều công việc khác nhau, nhưng trong số đó ông chú tâm nhất là nhận viết thông cáo báo chí cho các tổ chức (trong đó có Trung tâm Phòng chống và Chữa trị lao quốc gia) hay viết những kịch bản ngắn cho tờ New York Herald Tribune.
Ngay sau khi tốt nghiệp trung học năm 1939, Stan Lee tham gia Dự án Hỗ trợ kịch bản do Cơ quan Xúc tiến việc làm của Mỹ (WPA) tài trợ. Năm 1939 được xem như năm bản lề trong sự nghiệp của Stan Lee, khi người chú ruột Robbie Solomon tìm được chân phụ tá ở phòng truyện tranh của công ty xuất bản truyện tranh nổi tiếng lúc bấy giờ Martin Goodman cho ông. Tại đây, ông đã được học nghề và trau dồi đam mê nghề nghiệp.
Cuối thập niên 50, biên tập viên Julius Schwartz của Công ty xuất bản truyện tranh DC Comics đã làm sống lại hình tượng người hùng trong phiên bản mới của tập truyện tranh nổi tiếng Flash (Tia chớp, ra mắt từ tháng 1-1940). DC Comics đã tạo ra tuyến nhân vật là Liên đoàn Công lý Mỹ (Justice League of America). Martin Goodman ngay lập tức đã giao nhiệm vụ cho Stan Lee cùng các nhân viên khác phải tạo nên nhóm người hùng khác để cạnh tranh với Công ty DC Comics. Fantastic Four (Bộ tứ siêu đẳng) đã ra đời như thế.
Stan Lee cùng họa sĩ Jack Kirby đã hợp sức tạo nên loạt anh hùng thật đời thường và gần gũi, thoát ra khỏi khuôn mẫu người hùng quá lý trí và chỉn chu của nhiều tác giả trước đó. Bộ tứ siêu đẳng của Stan Lee cũng có những lúc nóng giận, buồn bực, kiêu căng, thậm chí là… tham ăn! Nhờ sự phá cách này, họ đã ghi điểm với độc giả.
Thành công này là động lực để tác giả Stan Lee tiếp tục viết thêm những nhân vật siêu anh hùng khác trong các tập truyện: Hulk (Gã khổng lồ xanh), Iron Man (Người sắt, bộ phim Iron Man phần 2 đã ra mắt công chúng năm 2010), Thor (Thần sấm Thor, bộ phim chuyển thể từ truyện này sẽ ra mắt vào tháng 5-2011), X-Men (Dị nhân, tập mới nhất của phim này sẽ ra mắt trong năm 2011), Spider Man (Người nhện, nhân vật thành công nhất mà Stan Lee tạo ra).
Ít ai biết được rằng Stan Lee đã đến với Marvel Comics từ khi đây chỉ là xưởng sản xuất truyện tranh khá khiêm tốn. Với tài năng và đam mê của mình, Stan Lee đã vực dậy nơi này và biến nó thành thương hiệu sản xuất truyện tranh hàng đầu thế giới. Đầu thập niên 2000, Stan Lee bắt tay cộng tác cùng DC Comics, từng là đối thủ nặng ký của công ty cũ Martin Goodman. Ông tham gia tạo hình lại cho các nhân vật đặc thù của DC Comics trong các tác phẩm: Superman (Siêu nhân), Batman (Người dơi), Wonder Woman (Người phụ nữ phi thường), Green Lantern (bộ phim khoa học viễn tưởng “Đèn lồng xanh”) và Flash (Tia chớp). Nếu là người yêu phim ảnh và thích những nhân vật người hùng, có lẽ bạn khó bỏ qua bộ phim Bộ tứ siêu đẳng ra mắt năm 2005. Bộ phim có sự góp mặt đặc biệt của tác giả Stan Lee trong vai phụ - người đưa thư có tên Willie Lumpkin.
Ở tuổi 89, tác giả Stan Lee vẫn đang hăng say sáng tác một vở nhạc nhạc kịch và truyện tranh phỏng theo tiểu thuyết bất hủ Romeo and Juliet có tên: Romeo and Juliet: The War in Mid-2011 (Romeo and Juliet: Cuộc chiến giữa năm 2011)
HÀ NHI