Dải lụa Tây Trường Sơn

Bên đường “đổi đời”
Dải lụa Tây Trường Sơn

Sâu giữa các cánh rừng nguyên sinh của miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị là nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Cung đường xuyên qua các tán rừng cổ thụ, vắt qua những bản làng của người Kinh, Vân Kiều, Pa Cô. Cây số không của nó bắt đầu ở xóm Khe Gát của xã Xuân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) rồi qua vùng lõi Phong Nha-Kẻ Bàng, vượt núi rừng miền Tây huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, dốc lên đỉnh 1001, qua đèo Sương Mù, vào với Hướng Hóa (Quảng Trị). Đây là cung đường ít ai biết đến, nhưng nhờ nó người phía miền Tây Trường Sơn heo hút đã được đổi đời mấy năm nay.

Cung đường ngoạn mục đi qua nhiều bản làng tựa lưng vào núi rừng Tây Trường Sơn.

Cung đường ngoạn mục đi qua nhiều bản làng tựa lưng vào núi rừng Tây Trường Sơn.

Bên đường “đổi đời”

Người bạn Vân Kiều, Hồ Toan gọi điện nói có muốn nghe điệu Aman bên đường “đổi đời” thì lên nghe. Vậy là đi. Bởi ngày xưa, người phía xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh muốn về họp, phải đi cả 2 ngày đường, nếu đi theo dòng sông Đại Giang cũng mất cả ngày. Nhưng nay nhờ con đường Hồ Chí Minh ở Tây Trường Sơn, đồng bào Vân Kiều chỉ mất 3 giờ là đã có mặt ở thị trấn Quán Hàu, trung tâm huyện Quảng Ninh.

Hồ Toan nói con đường Hồ Chí Minh đi qua xã Trường Sơn heo hút là con đường “đổi đời”. Không chỉ Toan nói mà cả xã này, cả vùng đất có cung đường đi qua đều nói đó là con đường “đổi đời”. Bởi chính con đường đã cho bao con em ở đây được đi học, được về miền xuôi mỗi khi “ưng cái bụng”. Nhưng quan trọng nhất, theo Hồ Toan: “Cung đường giúp nhà của người Vân Kiều giàu lên, có ti vi, xe máy, điện thoại. Biết cái khôn làm ăn, đường đó đổi đời dân bản mình đấy”.

Giữa lưng chừng núi, nhà của cụ Hồ Văn Chiến khang trang lắm, cụ kể say sưa cảnh đời của mình rằng: “Xưa nghèo cái bát không có ăn, nhưng có con đường đổi đời này mà mình về xuôi, vào Đắc Lắc học trồng keo, nhận cả trăm hécta đất rừng nhà nước giao. Đất nghèo, mình phát đốt, trồng keo, chừ có thành quả rồi, thu hoạch được rồi, đời chẳng lo nghèo như xưa”. Từ cây keo được thương lái dưới xuôi lên mua giá cao, Hồ Văn Chiến lại đánh trần làm ao cá, chăm thêm đàn bò, trâu, nay đã thành gia đình cự phách của cao nguyên Trường Sơn này.

Hồ Toan kể rằng: “Ngày xưa, cái chữ muốn có cũng mệt bở hơi tai vì đường sá xuống xuôi không có. Ở đây là hốc núi, nhưng từ ngày có đường “đổi đời” đi qua, dân bản cho con em đi học đại học, cả chục đứa rồi đấy, chúng hứa sẽ về dạy lại chữ cho em út để lứa sau được đi xa nữa”. Không chỉ xã Trường Sơn mà một số bản làng khác, người Vân Kiều đang từng ngày đổi thay nhờ cung đường này.

Bớt lo ốm đau

Con đường soi giữa trùng điệp núi rừng, từ Trường Sơn (Quảng Ninh) vào đến Kim Thủy (Lệ Thủy), trước đây đi đúng 1 ngày, nay chưa đầy 1 giờ đã chạm vào bản Tân Ly ngút mắt màu xanh, đi chút nữa vào đến bản Làng Ho, vượt đỉnh 1001 sẽ đến đất đai của Hướng Lập, Hướng Hóa, Quảng Trị. Người dân ở dọc con đường này nói vui: “Chưa bao giờ được tận hưởng con đường tốt như thế”.

Pả Vừ ở Hướng Lập nói: “Ngày xưa cắt rừng tìm kiếm cái ăn, trốn đạn trên trời, bữa ni đi đường phẳng lì, cái ăn cũng đỡ phần nào nhưng quan trọng nhất là cái bệnh có đau ốm thì đi trạm xá, bệnh viện cũng gần hơn rồi”. Pả Vừ kể thêm: “Nhà mình ở Quảng Trị, nhưng bước một bước là qua đất Lệ Thủy, Quảng Bình. Vợ mình vừa đau bụng, nay có con đường nên chở vợ vèo ra trạm xá Làng Ho chỉ 20 phút là có thuốc, được cấp cứu rồi.

Tháng trước, có Pả Vơn bị đau ruột thừa, xe máy chở về Bệnh viện Hướng Hóa, bác sĩ nói may có đường đi kịp thời chứ không cắt rừng như xưa là tính mạng không cứu nổi. Con đường đổi đời, đổi được cái bệnh, đường cũng “đuổi” cái đau cái ốm luôn. Ngày xưa, ở đây năm nào sốt rét cũng ập về, nhưng từ ngày có đường gần 10 năm rồi, chẳng có ai sốt rét cả, đường thông thoáng ri thì sốt rét cũng “bỏ đi” cán bộ hè?”.

Hồ Long ở Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy) mân mê tà áo nói: “Vợ mình đẻ khó, qua trạm xá cũng đẻ khó, may có đường tốt mà cán bộ biên phòng chở về Bệnh viện Lệ Thủy, mẹ tròn con vuông. Bác sĩ nói, có đường tốt cũng góp phần cứu vợ với con mình. Chứ ngày xưa cắt rừng thì chắc khó sống rồi”.

Với đồng bào Vân Kiều, Pa Cô dọc cung đường này, họ coi con đường ngoài sự đổi đời làm ăn còn là con đường cứu người, bởi nhờ con đường đó mà họ tiếp cận nhanh hơn với các dịch vụ y tế chứ không như trước đây phải nằm một chỗ cho thầy mo cúng bái trong u mê núi non sâu thẳm.

Đi qua rừng mưa

Cho đến nay, con đường vẫn bí ẩn với nhiều người. Cây số đầu tiên của nó xuất phát Khe Gát của Xuân Trạch, Bố Trạch. Vào đến điểm cuối cùng là tượng đài chiến thắng Khe Sanh ở Hướng Hóa, dài khoảng 300km, được trải bê tông trên toàn tuyến. Nó như dải lụa vắt vẻo ở núi rừng phía Tây Trường Sơn, lộng lẫy giữa bạt ngàn rừng mưa, có nơi phủ rậm rạp những tàng cây cổ thụ cao lớn đến bất ngờ. Đầu tiên nó xuyên qua vùng lõi di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Rừng mưa ở đây trình diễn cả trên núi đá, núi đất và cả những thung lũng cỏ đẹp mướt mắt hai bên cánh gà.

Lên đỉnh U Bò, vùng trung tâm của khối núi đá vôi hùng vĩ, ngày lộng gió và đầy nắng, đứng từ đây có thể thấy đô thị Đồng Hới với bãi cát Trường Sa phía Bảo Ninh chạy dài tít tắp cùng bờ biển Đông lộng lẫy màu xanh thẫm. Đi qua khu vực này, nếu may mắn, bạn có thể thấy từng đàn linh trưởng chà vá chân nâu hoặc voọc Hà Tĩnh chuyền cành trên đầu rào rào kiếm ăn.

Hết những đỉnh núi của di sản địa mạo địa chất sẽ qua vùng cao nguyên xã Trường Sơn hoặc các dãy núi đất của huyện Lệ Thủy. Trước khi vào Quảng Trị, con đường xuyên qua đèo 1001, đó là đỉnh đèo mà theo người Vân Kiều ở hai bên mái của nó có đến 4 mùa trong 1 ngày, bởi nó cao hơn 1.000m nên đón nhiều gió và mây. Tiếng nai tác chiều, hoặc tiếng vượn kêu buổi sáng càng thu hút trí tò mò của du khách đến đây. Rừng rậm như nguyên sinh, ẩn chứa trong đó kho tàng thực vật đầy đủ của kiểu cách nhiệt đới và vài giống loài cận nhiệt đới.

Đứng trên dốc cao nhất của cung đường ở khu vực này, giữa trời nắng lộng gió, con người thấy những trùng điệp núi rừng của Trường Sơn hùng vĩ đến lạ kỳ. Qua khu vực 4 mùa trong ngày, chạm chân đến đèo Sương Mù, con đèo ngoạn mục ở phía Tây, nó càng ngoạn mục hơn khi các cánh rừng hai bên là cây lồ ô, luồng, tre rừng ken dày, thẳng tắp, vút cao.

Người Pa Cô, Vân Kiều xem kiểu rừng bạt ngàn này là mấu chốt hái lượm măng rừng đưa ra phố thị Khe Sanh bán kiếm tiền hoặc đào hang các loài chuột rừng ăn măng để bổ sung dinh dưỡng. Pả Vừ nói rằng: “Rừng lồ ô, luồng, tre rừng ở đây ngoài giúp có miếng ăn gần như quanh năm, sản phẩm từ rừng còn giúp dân bản làm mái nhà. Mùa gió Lào, trời nắng nóng, ra đây mát lắm”...

Cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây Trường Sơn chúng tôi trải nghiệm quả là một con đường ngoạn mục. Bởi nói như những người anh em sống dọc dài dải lụa thiên lý này thì con đường đổi đời không chỉ cho họ mà còn cho con cháu của họ sau này. Ơn nghĩa đó, theo Pả Vừ: “Bền mãi mãi trong trí nhớ đồng bào mình”.

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục