Đắk Lắk: Hộ dân nhận khoán cà phê ăn, ngủ trước cổng nhà máy đòi quyền lợi

Nhiều ngày nay, hàng chục hộ dân nhận khoán cà phê tập trung căng băng rôn, ăn ngủ trước cổng Nhà máy chế biến cà phê An Thuận của Công ty TNHH MTV cà phê Phước An (đóng tại địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) yêu cầu giải quyết kiến nghị đòi quyền lợi.
Đắk Lắk: Hộ dân nhận khoán cà phê ăn, ngủ trước cổng nhà máy đòi quyền lợi

(SGGPO).- Nhiều ngày nay, hàng chục hộ dân nhận khoán cà phê tập trung căng băng rôn, ăn ngủ trước cổng Nhà máy chế biến cà phê An Thuận của Công ty TNHH MTV cà phê Phước An (đóng tại địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) yêu cầu giải quyết kiến nghị đòi quyền lợi.

Đến chiều 17-11, có khoảng 50 hộ dân cùng hàng chục xe máy cày chở theo nông sản vẫn đang đậu trước cổng Nhà máy chế biến cà phê An Thuận không chịu cân nhập cà phê. Các hộ dân đã căng băng rôn với khẩu hiệu “Yêu cầu Công ty TNHH MTV cà phê Phước An trả lại công bằng cho các hộ dân thuộc văn phòng An Thuận - Cư Né - Krông Búk”. Theo các hộ dân, nguyên nhân họ bức xúc không chịu cân nhập cà phê là do phía Công ty cà phê Phước An vi phạm hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ nhận khoán.

Nhiều hộ dân nhận khoán cà phê tập trung trước Nhà máy chế biến cà phê An Thuận đòi quyền lợi. Ảnh: ĐỒNG NGUYÊN

Vào năm 1995, Công ty cà phê Phước An đã ký hợp đồng liên kết sản xuất kinh doanh cà phê cùng 103 hộ dân ở xã Cư Né, huyện Krông Búk với thời gian hợp đồng 25 năm (từ năm 1995 - 2020). Phần đầu tư được chia theo tỷ lệ công ty 60% và hộ liên kết là 40%, lợi nhuận ăn chia được tính tương đương như phần đầu tư trong hợp đồng đã ký. Sau khi hết thời gian hợp đồng, giá trị tài sản trên đất được chia theo tỉ lệ 50-50. Nhưng đến năm 2004, phía Công ty cà phê Phước An đã tự ý thay đổi hợp đồng từ hợp đồng liên kết kinh doanh cây cà phê thành hợp đồng giao nhận khoán cây cà phê. Vào năm 2014, công ty lại tiếp tục thay đổi hợp đồng với nhiều điều khoản gây bất lợi cho các hộ dân nhận khoán. “Công ty tự soạn thảo, thay đổi hợp đồng với nhiều điều khoản gây bất lợi cho người dân. Bên cạnh đó, công ty cũng không thanh lý hợp đồng năm 1997 nhưng vẫn không cho người dân được hưởng quyền lợi như hợp đồng đã ký nên chúng tôi tập trung ở đây kiến nghị để đòi quyền lợi”, ông Y Ku Niê (một hộ dân nhận khoán ở xã Cư Né) cho hay.

Người dân căng băng rôn trước nhà máy đòi quyền lợi

Trao đổi với PV Báo SGGP Online, ông Hồ Sỹ Trung, Giám đốc Công ty cà phê Phước An cho biết: “Trước khi xảy ra tình trạng người dân tập trung kiến nghị trước cổng Nhà máy chế biến cà phê An Thuận, công ty đã nhiều lần đối thoại với người dân, tuy nhiên vẫn chưa thống nhất quan điểm. Tất cả những hợp đồng từ năm 2004 cho đến nay công ty vẫn làm việc trên cơ sở khách quan và đúng pháp luật. Hiện phía công ty và cơ quan ban ngành vẫn đang tiếp tục đối thoại vận động người dân chấp hành theo đúng quy định của hợp đồng”.

CÔNG HOAN - ĐỒNG NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục