Đắk Nông chú trọng bảo tồn văn hóa các dân tộc

Đắk Nông chú trọng bảo tồn văn hóa các dân tộc

Nhân dịp UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội xuân Liêng Nung 2017, Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông về công tác bảo tồn, phát triển các lễ hội văn hóa đồng bào dân tộc địa phương và xúc tiến đầu tư, quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh

*PHÓNG VIÊN: Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa và những nét mới của Hội xuân Liêng Nung năm 2017?

- Bà TÔN THỊ NGỌC HẠNH: Hội xuân Liêng Nung năm 2017 với chủ đề Tinh hoa hội tụ là dịp để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được gặp gỡ, giao lưu, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của 40 dân tộc anh em đang sinh sống trên mảnh đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ. Các hoạt động tổ chức trong hội xuân lần này được chọn lựa phù hợp với văn hóa, truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông. Hội xuân năm nay có nhiều chương trình hoạt động hơn những năm trước, trong đó đáng chú ý là tái hiện các nghi lễ cúng sức khỏe của người Mạ theo nguyên bản.

Hội xuân Liêng Nung diễn ra trong 2 ngày (11 đến 12-2) tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, gồm có 2 phần lễ và hội. Phần lễ có lễ Iun Jông (gắn kết tình thân trong cộng đồng) và lễ cúng sức khỏe (lễ mừng thọ, cầu cho không ốm đau, bệnh tật...) của cộng đồng đồng bào dân tộc Mạ. Phần hội với các nội dung như: trưng bày, quảng bá tiềm năng du lịch, trưng bày hình ảnh, sản vật đặc trưng, các hiện vật thổ cẩm của dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông; lễ hội đường phố; âm nhạc đường phố; thi dệt thổ cẩm; trình diễn trang phục thổ cẩm của các dân tộc thiểu số; thi đan gùi; thi giã gạo nấu cơm nhanh; thi hát dân ca; thi diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc và trò chơi dân gian…

* Tỉnh Đắk Nông là vùng đất có nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống với nhiều nét văn hóa truyền thống phong phú và đặc sắc. Trong thời gian qua, tỉnh đã làm gì để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đó?

- Tỉnh Đắk Nông hiện nay có 40 dân tộc anh em sinh sống là nơi hội tụ các loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên cả nước. Dân tộc tại chỗ có Êđê, M’nông, Mạ với nền văn hóa đa dạng và phong phú mang đậm tính chất tâm linh. Với mục đích bảo tồn các loại hình di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, ngay từ khi thành lập tỉnh, tỉnh đã ban hành đề án “Bảo tồn phát huy Lễ hội - Hoa văn - Cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của các dân tộc tỉnh Đắk Nông”. Tỉnh đã tổ chức được 68 lớp cồng chiêng phổ cập tại cơ sở và 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân cồng chiêng cấp tỉnh, phục dựng hơn 50 lượt lễ hội truyền thống, khôi phục các loại hình dân ca, dân vũ, dệt thổ cẩm...

UBND tỉnh Đắk Nông cũng trình Bộ VH-TT-DL đề án “Bảo tồn và phát huy di sản không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên giai đoạn 2015 - 2020”, tập trung vào công tác bảo tồn phát huy các di sản nhằm thu hút khách du lịch tham gia. Trong đó, chú trọng công tác bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ là M’nông, Mạ và Êđê. Tỉnh còn chú trọng công tác tôn vinh các nghệ nhân. Năm 2015, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 21 người của tỉnh Đắk Nông.

* Đắk Nông có nhiều tiềm năng về lịch sử văn hóa, thiên nhiên để phát triển du lịch, nhưng ngành du lịch của tỉnh chưa xứng tầm. Trong thời gian tới, tỉnh có những chính sách, giải pháp gì để phát huy hết lợi thế đó?

- Đắk Nông có 16 thác nước tiêu biểu như: Cụm di tích thắng cảnh cấp quốc gia thác Đrây Sáp - Gia Long - Trinh Nữ (huyện Cư Jút), thác Lưu Ly, thác Len Gun (huyện Đắk Song), thác Liêng Nung, Ba Tầng, Cô Tiên (thị xã Gia Nghĩa), thác Đắk G’Lun, thác Đắk Buk Sor (huyện Tuy Đức); có hệ thống sông Sêrêpốk và sông Đồng Nai chảy qua tạo nên nguồn thủy năng lớn khai thác thủy điện và phát triển du lịch. Đặc biệt hệ thống hang động tại huyện Krông Nô đang được tỉnh gấp rút làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu.

Đrây Nu là một trong những ngọn thác đẹp tại Đắk Nông

Đắk Nông nằm trong không gian văn hóa phi vật thể của nhân loại, là cái nôi của 40 dân tộc anh em với nền văn hóa đa sắc màu mà lịch sử phát triển gắn liền với lòng yêu nước và tinh thần quật khởi của con người nơi đây. Tinh thần ấy đã để lại những dấu ấn không thể quên với những người con ưu tú đã đi vào lịch sử như: Thủ lĩnh N’Trang Lơng, N’Trang Gưh; di tích lịch sử đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia: ngục Đắk Mil, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV, di tích lịch sử các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp do N’Trang Lơng lãnh đạo, thác Đray Sáp Thượng (thác Gia Long) và thác Đray Sáp hạ. Một số di tích đã và đang được phục dựng đưa vào khai thác du lịch như di tích B4 - Liên tỉnh IV, ngục Đắk Mil, di tích N’Trang Lơng.

Tỉnh đã quy hoạch các khu du lịch để kêu gọi đầu tư như: Khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, Khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, Khu du lịch dọc sông Sêrêpốk. Đến nay, có 6 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư. Tỉnh cũng đẩy mạnh ký kết các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành bạn để thúc đẩy du lịch phát triển. Qua đó, giai đoạn 2011 - 2015, tổng lượt khách ước đạt 843.000 lượt, tăng trưởng bình quân 13%/năm; doanh thu ước đạt hơn 113 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 18%.

Mặc dù tiềm năng du lịch của tỉnh rất lớn, song mức độ thu hút đầu tư du lịch vào tỉnh chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, tỉnh sẽ chủ động tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ trung ương và các tổ chức quốc tế để lập quy hoạch, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và đưa vào khai thác.

CÔNG HOAN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục