Ông Lê Diễn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo SGGP về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
° Thưa ông, sau 3 năm triển khai thực hiện nghị quyết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC), tỉnh đã đạt được kết quả ra sao và còn những hạn chế gì cần khắc phục?
° Ông LÊ DIỄN: Qua 3 năm thực hiện nghị quyết này, việc sản xuất NNCNC đã tạo bước đột phá về nhận thức và hành động trong cộng đồng. Nhiều cách làm mới, nhiều mô hình sản xuất được các doanh nghiệp (DN) và người dân mạnh dạn thực hiện, đem lại hiệu quả cao.
Về trồng trọt, tỉnh đã phát triển bền vững các cây trồng chủ lực. Chương trình phát triển cà phê bền vững với hơn 22.000ha thực hiện theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, RA. Năng suất cà phê nhân đã tăng từ 1,93 tấn/ha (năm 2011) lên 2,3 tấn/ha, sản lượng tăng từ 179.658 tấn (năm 2011) lên 210.000 tấn vào năm 2013. Trên 70% diện tích lúa nước đang canh tác, một số giống lúa lai có năng suất và chất lượng cao (đạt 8,5 tấn/ha), thay cho giống lúa địa phương năng suất thấp (5 tấn/ha). Do đó, sản lượng lúa trên toàn tỉnh liên tục tăng từ 61.000 tấn (năm 2011) lên 68.000 tấn năm 2013 (tăng 11,47%). Nhìn chung, NNCNC được ứng dụng rộng rãi và đem lại hiệu quả cao trong trồng trọt. Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có khoảng 7.000ha đất canh tác thu giá trị trên 200 triệu đồng/ha; 26.000ha thu từ 100 đến 200 triệu đồng/ha; 38.000ha thu từ 60 đến dưới 100 triệu đồng/ha.
Trồng khoai lang ứng dụng công nghệ cao đem lại thu nhập tiền tỷ cho người dân huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Công Hoan
Nhiều chương trình, dự án trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản theo mô hình NNCNC đạt kết quả khả quan. Dự án cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt, tạo ra đàn bò lai chất lượng cao, thay thế dần giống bò địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Tỷ lệ đàn bò lai của tỉnh từ 3% năm 2004 (chủ yếu lai Red Sind), đến nay đạt khoảng 25%. Tổng đàn bò lai của tỉnh hiện có 3.800 con, dự kiến đến năm 2015 sẽ đạt và vượt 5.000 con. Mô hình nuôi cá nước lạnh (cá tầm) trên lòng hồ Đắk R’tih đã có 2 hộ nuôi thử nghiệm bằng lồng với diện tích mặt nước 800m2 và số lượng 23.500 con cá giống. Mô hình nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 có 140 hộ tham gia với tổng diện tích mặt nước 3.080m2.
Nhưng việc phát triển NNCNC ở tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Nhận thức của một số cán bộ và người dân về sản xuất NNCNC còn mơ hồ, thậm chí tự ti, e ngại trong việc triển khai thực hiện. Việc tiếp cận và ứng dụng NNCNC trên địa bàn tỉnh vẫn còn ít, thiếu tập trung, quy mô nhỏ lẻ, tự phát và chưa theo định hướng. Việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản của nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN tư nhân sợ rủi ro, e ngại khi ký hợp đồng đầu tư cho nông dân sản xuất. Trong khi đó, nguồn nhân lực trực tiếp tham gia vào việc chuyển giao, xây dựng các mô hình NNCNC vẫn chủ yếu là lực lượng cán bộ khuyến nông, hội nông dân các cấp.
° Thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách, cơ chế gì để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NNCNC?
° Hiện tỉnh đã kêu gọi được 17 tổ chức, cá nhân khảo sát đầu tư vào lĩnh vực NNCNC và đã giao đất, cho thuê đất, thuê mặt nước, thuê rừng đối với các nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. Tỉnh cũng giữ ổn định giá cho thuê trong vòng 5 năm; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực NNCNC.
Nhà đầu tư được vay vốn từ các quỹ tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và từ các nguồn vốn ủy thác mà Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh nhận quản lý. Mức hỗ trợ tối đa cho một dự án không quá 50% giá trị đầu tư xây dựng công trình và không quá 1 tỷ đồng/dự án. Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư vào lĩnh vực NNCNC trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ phát triển thị trường theo quy hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, còn được tỉnh hỗ trợ tối đa 50% chi phí xây dựng thương hiệu và đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Khoai lang Nhật mang lại thu nhập cao cho người dân Đắk Nông
° Đắk Nông còn là tỉnh nghèo ở khu vực Tây Nguyên, vì thế việc tập trung phát triển NNCNC có phải là cách để thay đổi diện mạo của tỉnh trong tương lai hay không?
° Đúng vậy, Đắk Nông là tỉnh mới, tỉnh nghèo ở khu vực Tây Nguyên. Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh tuy có phát triển nhưng còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún nên chưa phát huy hết lợi thế về điều kiện tự nhiên của địa phương. Vì thế, việc thực hiện chương trình NNCNC để làm tăng giá trị thu nhập và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, một đơn vị sản phẩm là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong 3 năm qua, việc ứng dụng NNCNC trong sản xuất nông nghiệp đã tạo nên bước đột phá đáng kể để ngành nông nghiệp địa phương có bước phát triển vượt bậc. Đây cũng chính là một trong những nền tảng cơ bản để tỉnh tiến hành xây dựng nông thôn mới một cách thuận lợi. Từ thực tế cho thấy, việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng NNCNC đến với người nông dân đến mức nào thì kết quả xây dựng nông thôn mới đạt đến mức ấy. Đây chính là cách để người dân từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, điều kiện sống và thay đổi diện mạo tỉnh trong tương lai.
° Trân trọng cảm ơn ông!
CÔNG HOAN (thực hiện)