Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sau hơn 3 năm đi vào đời sống đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia, nhưng cũng bộc lộ không ít bất cập. Trước thực tế đó, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp cùng với các cơ quan chức năng đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông PHẠM LƯƠNG SƠN, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam.
- Phóng viên: Trong sửa đổi Luật BHYT tới đây, một trong những nội dung được đề cập là sửa đổi quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh trái tuyến. Phải chăng khám chữa bệnh BHYT trái tuyến đang có nhiều bất cập?
>> Ông PHẠM LƯƠNG SƠN: Sau khi Luật BHYT đi vào đời sống, quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trái tuyến ngoài những mặt tích cực cũng đã nảy sinh ra một số vấn đề cần giải quyết. Trong đó nổi lên là việc bệnh nhân vượt tuyến tràn lan, nhiều người bệnh nhẹ cũng đổ xô lên tuyến trên để khám chữa bệnh khiến tuyến trên quá tải, bệnh viện kỹ thuật cao nhưng lại khám chữa các bệnh thông thường. Còn tuyến dưới, nhiều cơ sở đã được đầu tư về trang thiết bị, tăng cường nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhưng vẫn phải chịu cảnh vắng bóng bệnh nhân. Hơn nữa, dưới góc độ tài chính, kinh tế, người khám chữa bệnh trái tuyến vẫn được BHYT chi trả với mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh khá cao nên dù khám trái tuyến nhưng người bệnh không phải chịu áp lực quá lớn về tài chính chi trả khi khám vượt tuyến. Đây cũng là một trong những lý do khiến số bệnh nhân khám chữa bệnh vượt tuyến tiếp tục gia tăng. Chẳng hạn, cùng một loại bệnh, ở bệnh viện tuyến huyện tổng chi phí điều trị chỉ khoảng 300.000 đồng, nhưng nếu điều trị ở tuyến trung ương có thể lên tới 2 triệu đồng. Khi đó, mức 30% chi phí mà họ được BHYT thanh toán cho trường hợp vượt tuyến còn lớn hơn cả tổng chi phí nếu điều trị ở tuyến dưới. Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT đã đề cập tới vấn đề làm sao đưa điều trị trái tuyến vào đúng quỹ đạo, để phục vụ người bệnh tốt hơn và tránh việc quá tải do bệnh nhân đổ dồn lên các bệnh viện tuyến trên.
- Việc sửa đổi quy định về thanh toán chi phí khám chữa bệnh trái tuyến cho bệnh nhân BHYT sẽ theo hướng như thế nào, thưa ông?
Theo quy định của Luật BHYT hiện nay, bệnh nhân có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến (trừ trường hợp cấp cứu) được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh ở mức 30% đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt, 50% đối với bệnh viện hạng II, 70% chi phí đối với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện quy định này, tình trạng vượt tuyến tăng nhanh, từ 3 triệu lượt người bệnh khám vào năm 2010 lên 11,6 triệu lượt năm 2012. Đồng thời, các bệnh viện tuyến trung ương do thực hiện tự chủ tài chính và chủ yếu thanh toán theo cơ chế phí dịch vụ nên nhiều bệnh viện nhận điều trị cả loại bệnh thông thường để tăng nguồn thu cho bệnh viện, gây ra tình trạng quá tải.
Do đó, đối với vấn đề thanh toán khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến, dự thảo sửa đổi, bổ sung của một số điều của Luật BHYT lần này đề xuất Quỹ BHYT sẽ chi trả tất cả trường hợp khám chữa bệnh BHYT trái tuyến, vượt tuyến với các ca bệnh điều trị nội trú. Còn với người đi khám ngoại trú thì Quỹ BHYT chỉ chi trả một số bệnh do Bộ Y tế quy định. Ngoài ra, trước đó, cũng có một số ý kiến đã đưa ra phương án sửa đổi theo hướng giảm mức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trái tuyến khoảng 10% so với hiện nay, hoặc Quỹ BHYT chỉ thanh toán một phần đối với trường hợp điều trị nội trú trái tuyến, còn khám chữa bệnh ngoại trú trái tuyến sẽ không được BHYT chi trả.
- Hiện nay, cả nước còn trên 30% dân số chưa tham gia BHYT, ông có thể cho biết một số giải pháp để thực hiện được mục tiêu của Đề án BHYT toàn dân mà Chính phủ đã phê duyệt?
Để thực hiện được BHYT toàn dân, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng lộ trình cũng như đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, với mục tiêu tăng độ bao phủ BHYT trở thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Căn cứ theo Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị, đến 2015 có tối thiểu 70% dân số có BHYT và đến năm 2020 phải có tối thiểu 80%, chúng tôi đã phân loại các nhóm địa phương theo tỷ lệ bao phủ để xác định địa phương nào chưa đạt tỷ lệ bao phủ để có giải pháp cụ thể. Đồng thời, chúng tôi xác định phân tầm đối tượng tham gia BHYT và tập trung vào nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội để đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó xác định tỷ lệ để phát triển độ bao phủ cho mỗi địa phương phù hợp với khả năng, điều kiện kinh tế xã hội và quan trọng là đảm bảo được tính khả thi, nhằm đạt mục tiêu BHYT đến được 70% dân số vào năm 2015.
- Thực tế việc tham gia BHYT vẫn còn tình trạng “lựa chọn ngược”, nghĩa là BHYT vẫn tập trung chủ yếu vào các đối tượng được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT, hoặc những người ốm, mắc bệnh nặng mới có nhu cầu mua thẻ BHYT?
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện nay số người khám BHYT tuyến huyện là hơn 90%, tuyến tỉnh là hơn 80%, tuyến trung ương khoảng 70%. Bệnh nhân khám trái tuyến, vượt tuyến khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh đều sử dụng thẻ BHYT. Như vậy thái độ của người dân, xã hội về BHYT là rất tích cực, tất nhiên vẫn có một số trường hợp người dân khi ốm đau mới mua BHYT mà chuyên môn gọi là “lựa chọn ngược”. Vì vậy việc sửa đổi Luật BHYT sắp tới cũng cần nghiên cứu để khắc phục điều này và đảm bảo quyền lợi tốt hơn nữa cho người tham gia BHYT.
- Xin cảm ơn ông!
MINH KHANG (thực hiện)