Quốc hội thảo luận về sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND

Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, nâng cao chất lượng đại biểu

Đảm bảo nguyên tắc dân chủ, nâng cao chất lượng đại biểu

(SGGP).- Sáng 8-11, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến phát biểu bày tỏ sự đồng tình với phạm vi sửa đổi của dự thảo luật, theo đó chỉ sửa đổi, bổ sung những điều có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bầu cử Quốc hội và HĐND 3 cấp trong cùng một thời điểm sắp tới. Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khi tổng kết phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu khẳng định, còn nhiều vấn đề quan trọng khác về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu, về người ứng cử ĐBQH là người Việt Nam ở nước ngoài, người Việt Nam có hai quốc tịch... thì sau khi sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước sẽ tiếp tục sửa đổi căn bản, toàn diện.

Đại biểu Lương Phan Cừ (Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Lương Phan Cừ (Đắk Nông) phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Trong số các vấn đề cụ thể, ĐB Lương Phan Cừ (Đắc Nông) đề nghị quy định trong luật số dư giữa số người ứng cử và số ĐB được bầu ở mỗi điểm bầu cử tối thiểu là 2 để nâng cao tính dân chủ trong công tác bầu cử. ĐB Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) tán thành: “Ngay cả số ĐB do trung ương giới thiệu cũng nên có số dư; còn nếu không có thì phải có lý lẽ thỏa đáng”. Vẫn theo ĐB Nhị, việc công bố ngày bầu cử nên tiến hành trước khi bầu cử 120 ngày (thay vì 105 ngày) để công tác hiệp thương được tiến hành chu đáo. Về lâu dài, QH nên nghiên cứu hướng dẫn địa phương quy hoạch đại biểu QH, HĐND; giúp địa phương chủ động chuẩn bị nguồn nhân sự tốt.

Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Đại biểu Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Việc kê khai tài sản của người ứng cử cũng là một trong những vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm. ĐB Sùng Thị Chư (Yên Bái) kiến nghị: “Việc kê khai tài sản nên được tiến hành công khai ở cơ quan công tác và nơi cư trú của người ứng cử”.

Cũng với mục tiêu đảm bảo nguyên tắc dân chủ trong công tác bầu cử, ĐB Nguyễn Duy Nguyên (Hải Dương) yêu cầu luật quy định rõ những tiêu chuẩn của người tự ứng cử, trình tự tự ứng cử... “Cơ cấu ĐB nữ, ĐB trẻ, ngoài Đảng cũng nên đưa vào luật hoặc ít nhất phải được quy định cụ thể trong văn bản hướng dẫn thi hành”, ông Nguyên nhận xét.

Nêu ví dụ từ thực tiễn bầu cử QH khóa XII, ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, phải chăng do luật hiện hành quy định khá lỏng lẻo về quyền tự ứng cử nên khóa trước quá đông người tự ứng cử, nhưng khi hiệp thương để “lọc” lại thì không chọn được người xứng đáng. ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội) thì băn khoăn về công tác vận động tranh cử. Bà Đặng Huyền Thái đặt ra khá nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của các hoạt động tranh cử và đề nghị có chế tài mạnh cho những vi phạm.

Nhất trí cao về chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo các ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), Nguyễn Hồng Diện (Hậu Giang)... việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là “chính sách được lòng dân nhất” trong số các chính sách tam nông hiện nay.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) kiến nghị cụ thể hơn: “10 năm tới chưa nên bàn việc thu thuế đất nông nghiệp”. Chính sách này, theo ông, sẽ giúp giải quyết tình trạng quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún, do đó không thể tiến hành công nghiệp hóa nông nghiệp, không áp dụng được tiến bộ khoa học công nghệ...

ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) thì yêu cầu, sau khi ra Nghị quyết về miễn giảm thuế đất nông nghiệp, Quốc hội phải quan tâm theo dõi, đánh giá hiệu quả và “khi có đủ điều kiện thì miễn vĩnh viễn” thuế đất nông nghiệp cho nông dân.

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đã chỉ rõ, song song với việc miễn giảm thuế, cần rà soát lại việc sử dụng đất nông nghiệp hiện nay đã đúng mục đích hay chưa. ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhìn nhận, các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng đang được giao đất nông nghiệp hầu hết đều không có chức năng sản xuất nông nghiệp và đang sử dụng sai mục đích diện tích đất được giao, nhiều nơi còn để hoang hóa, lãng phí. Đối với diện tích đất đang bị sử dụng sai mục đích, Nhà nước cần kiên quyết thu hồi để giao lại cho nông dân sản xuất nông nghiệp.

Dự kiến, Nghị quyết của QH về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ được thông qua trong kỳ họp này.

A. THƯ

Tin cùng chuyên mục