Đảm bảo quy trình

Thái Lan là đất nước có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về nhiều khía cạnh, nhất là sản xuất nông nghiệp, cụ thể là việc chăn nuôi và giết mổ gia súc. Từ thực tế của Thái Lan có thể hình dung phần nào hướng đi mà Việt Nam tính đến trong bối cảnh, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng phải được đảm bảo trước yêu cầu bức thiết của xã hội.

Thái Lan là đất nước có nhiều nét tương đồng với Việt Nam về nhiều khía cạnh, nhất là sản xuất nông nghiệp, cụ thể là việc chăn nuôi và giết mổ gia súc. Từ thực tế của Thái Lan có thể hình dung phần nào hướng đi mà Việt Nam tính đến trong bối cảnh, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng phải được đảm bảo trước yêu cầu bức thiết của xã hội.

Được dịp tham quan “lò” giết mổ gia súc ở một tỉnh gần thủ đô Bangkok, điều cảm nhận của chúng tôi, nếu xét về quy mô chưa hẳn đã “hoành tráng” nhưng việc tổ chức có thể nói là hợp lý và hoàn chỉnh. Gia súc, cụ thể ở đây là heo được vận chuyển từ các nơi về đều phải qua kiểm soát và kiểm dịch, có thời gian nghỉ ngơi và bộ phận thú y tại chỗ xem xét tình hình sức khỏe gia súc trước khi giết mổ. Sau đó, heo được đưa vào khu vực “chết êm ả”, sẽ lịm dần để gia súc không bị stress như kiểu chích điện phổ biến ở Việt Nam, thậm chí có nơi vẫn còn dùng dao.

Có thể nói, bên cạnh việc đối xử nhân đạo với gia súc khi giết mổ, còn giúp chất lượng thịt ngon hơn, phù hợp với xu hướng của thế giới. Sau đó, heo được treo lên đưa qua khâu vệ sinh, dùng lửa đốt trụi lông và lấy hết máu ra, từ đó hệ thống ròng rọc lần lượt di chuyển heo qua các khâu lấy nội tạng, dùng dao (máy) tách đôi heo thành 2 mảnh. Từng khâu, những người có nhiệm vụ thực hiện công việc của mình một cách thành thục. Đáng chú ý, bộ phận treo cách mặt đất một khoảng cách khá cao. Phía dưới, có người thường xuyên quét dọn và lau chùi những phần rơi rớt trên mặt đất…

Tất cả các khâu đều liên hoàn và được cách ly, bên ngoài chỉ có thể quan sát thông qua mặt kính trong suốt. Sau đó, 2 mảnh heo sẽ được di chuyển qua kho lạnh trong khuôn viên của “lò giết mổ” ở nhiệt độ khoảng 5°C trong 24 giờ, khi các thớ thịt đã khô hẳn mới được chuyển qua bộ phận vận chuyển để đưa đến các nơi tiêu thụ hoặc chế biến và được quản lý cũng như kiểm soát an toàn vệ sinh thú y chặt chẽ. Lúc này nhìn thớ thịt có cảm giác sạch sẽ hơn thay vì thói quen thích ăn “thịt nóng” với chất dịch còn rơi vãi khi vận chuyển.

Ở TPHCM, hiện không có lò giết mổ hiện đại như ở Thái Lan. Trước đây vào năm 1972, khu giết mổ gia súc tập trung (của VISSAN) ở một cù lao cách biệt khu dân cư thuộc quận Bình Thạnh, đã được Công hòa Liên bang Đức tài trợ hệ thống giết mổ gia súc có thể nói là hiện đại nhất Đông Nam Á thời đó. Rất tiếc, sau năm 1975, hệ thống giết mổ gia súc hiện đại này phải “nằm nghỉ”, nhường chỗ cho các lò giết mổ gia súc thô sơ, do thời gian dài buông lỏng việc quản lý và vì thói quen dùng “thịt nóng” của người dân thay vì “thịt lạnh” như cách Thái Lan và xu hướng thế giới đang làm.

ĐĂNG LÃM

Tin cùng chuyên mục