
Những năm qua, tuy Nhà nước đã có nhiều cố gắng trong công tác lập quy, nhiều luật và các văn bản dưới luật được ban hành, phần nào đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, bảo vệ các quyền dân chủ cơ bản của công dân. Quốc hội cũng đã giao thêm thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính cho tòa án nhằm đảm bảo mọi khiếu kiện của nhân dân được giải quyết tại tòa án. Tuy nhiên, hoạt động giải quyết khiếu kiện của Tòa hành chính và các cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn nhiều bất cập, kém hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bất cập trong giải quyết khiếu nại
Thời gian qua, các khiếu kiện của công dân xảy ra trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, với số lượng lớn và ngày càng tăng. Từ năm 2006-2008, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp nhận 303.026 đơn khiếu nại về 238.888 vụ việc. Tuy các cơ quan hành chính nhà nước đã thụ lý, giải quyết được khá nhiều vụ việc song hiệu quả còn nhiều hạn chế. Bất cập là do cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính hiện nay còn mang tính khép kín, chưa đảm bảo tính khách quan, dân chủ.

Cán bộ thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo hướng dẫn pháp luật cho người dân (Ảnh chụp tại Văn phòng tiếp công dân Thanh tra TPHCM). Ảnh: H.HOA
Quy định pháp luật hiện hành cho phép cơ quan hành chính cấp trên tiếp tục giải quyết các khiếu nại mà cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới đã giải quyết, nếu công dân còn khiếu nại. Điều này dẫn đến tình trạng người dân có tâm lý không tin tưởng vào việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước cấp trên đối với các quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính cấp dưới, vì cho rằng cấp trên bênh vực cấp dưới. Trên thực tế, đa số các quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đều được cấp trên công nhận.
Một nguyên nhân khác, là hiện nay cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính cũng chưa phân định và tách bạch giữa hoạt động quản lý điều hành với hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước phải mất nhiều thời gian, công sức vào việc giải quyết khiếu nại nhưng hiệu quả vẫn không cao, thậm chí còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý điều hành của các cơ quan này.
Để khắc phục tình trạng kém hiệu quả trong giải quyết khiếu kiện của các cơ quan hành chính nhà nước, Quốc hội đã giao thẩm quyền xét xử các vụ án cho tòa án. Tuy nhiên, số vụ việc công dân khởi kiện ra tòa tính trên số vụ việc khiếu nại cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết đạt tỷ lệ rất thấp, dưới 1%. Cụ thể, theo báo cáo kết quả giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số liệu thống kê từ 28 tỉnh, thành thì trong số 56.788 vụ việc đã giải quyết, chỉ có 310 vụ việc công dân khởi kiện ra tòa.
Tình trạng Tòa hành chính thụ lý ít, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân được lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay, là hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Qua các lần sửa đổi Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, số lượng vụ việc tòa án có thẩm quyền giải quyết ngày càng tăng nhưng chỉ dừng lại ở một số loại việc nhất định. Điều này mâu thuẫn với cơ chế giải quyết khiếu nại hiện nay, là một vụ việc khiếu nại được giải quyết tối đa ở 2 cấp hành chính và người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân trong các lần giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính. Như vậy những loại việc không thuộc thẩm quyền của Tòa hành chính, người dân đương nhiên bị giới hạn quyền khởi kiện ra tòa.
Cần có cơ quan tài phán hành chính
Để khắc phục những bất cập, hạn chế của các cơ quan hành chính nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, đồng thời nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa hành chính đòi hỏi các quy định của pháp luật phải đảm bảo các khiếu nại đều có thể được xem xét bởi cơ quan Tư pháp, dù vụ việc đó đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan hành chính hay các bên có quyền khởi kiện bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết…
Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng cơ quan Tài phán hành chính trong tổng thể cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nhằm góp phần đưa hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính ở nước ta phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó tạo cơ sở cho kinh tế nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Việc xây dựng cơ quan Tài phán hành chính chuyên trách thực hiện việc giải quyết khiếu nại hành chính đồng thời với việc thiết lập cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính công khai, minh bạch góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là việc làm hết sức cần thiết.
Song đây là vấn đề mới, liên quan đến Hiến pháp và tổng thể bộ máy Nhà nước, do đó việc xây dựng cơ quan Tài phán hành chính cần phải được các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện và phải có lộ trình, bước đi thích hợp, sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, qua đó giải quyết được những vấn đề bức xúc từ thực tiễn tình hình khiếu nại và giải quyết khiếu nại đặt ra.
BÙI THỊ TUYẾT HƯƠNG (Phó trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra TPHCM)