Ngày 22-2, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội) và Tạp chí Pháp luật và Phát triển (Trung ương Hội Luật gia Việt Nam) phối hợp tổ chức.
Chủ tịch nước cần được kiểm soát các nhánh quyền lực
Tại hội thảo, TS Phạm Văn Hùng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp có báo cáo đề dẫn, nêu rõ những nhận định tổng quan của các nhà khoa học về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi (Dự thảo). Đặc biệt, theo ông Hùng, “các nhà khoa học đã chỉ ra những hạn chế của Dự thảo cần phải tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và xu thế thời đại”. Đó là yêu cầu hoàn thiện quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng mang tính cam kết pháp lý rõ ràng hơn, khắc phục việc đảng viên lợi dụng danh nghĩa Đảng gây dựng bè phái, tạo đặc quyền, đặc lợi, hoặc nói không đi với làm, dẫn đến giảm uy tín của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy định về Quốc hội theo hướng phân định rõ hơn thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, chính quyền địa phương...
TS Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bình luận: “Về vị trí, vai trò của Quốc hội, Dự thảo có một nội dung thay đổi cơ bản, từ “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” trở thành “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp”. Việc thay đổi từ “cơ quan duy nhất có quyền” thành cơ quan thực hiện quyền trước hết là sự thay đổi về chất. Hiến pháp, cũng như các đạo luật khác, nếu được nhiều người, nhiều cơ quan đoàn thể đứng trên các giác độ khác nhau đóng góp ý kiến và được tập hợp, chắt lọc lại như một lăng kính hội tụ thì chất lượng sẽ cao hơn nhiều”.
TS Thanh cũng lưu ý: “Khoản 1, Điều 75 của Dự thảo có vấn đề mới bổ sung cần quan tâm là “Quốc hội quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ Chính phủ”. Đây là quy định đúng đắn, hợp lý, bởi nếu không khống chế thì với tốc độ hiện nay, đến hết nhiệm kỳ (năm 2016), nợ công của nước ta sẽ vượt 100% GDP, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng”.
GS-TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, Dự thảo “cần kiên quyết hơn nữa trong phân định thẩm quyền giữa Quốc hội với nhân dân, Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, để Quốc hội làm đúng và đủ quyền lập pháp của mình, không lấn sang các quyền khác hoặc không làm đủ quyền lập pháp của mình”.
Bày tỏ quan tâm đặc biệt đến chế định Chủ tịch nước, PGS-TS Nguyễn Thị Hồi (Đại học Luật Hà Nội) thẳng thắn đề nghị: “Chủ tịch nước do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra thông qua tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch nước chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của Quốc hội. Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước là 5 năm. Không ai được bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước quá hai nhiệm kỳ”. Bà Nguyễn Thị Hồi giải thích, khi cử tri cả nước trực tiếp bầu ra Chủ tịch nước thì quyền lực của Chủ tịch nước nhận được là từ nhân dân nên sẽ có thực quyền và có thể kiểm soát được các nhánh quyền lực khác.
Đảm bảo tối đa quyền hiến định của người dân
Liên quan đến việc chế định quyền con người, quyền công dân, TS Hùng cho biết, trong tổng số 124 điều của dự thảo, có 38 điều quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân, chiếm hơn 30%. “Đây là thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nhiều quyền hiến định vẫn còn được viết theo dạng “… theo quy định của pháp luật”, gây ra những băn khoăn về khả năng tùy tiện của cơ quan nhà nước trong việc giới hạn, thu hẹp các quyền hiến định của người dân”, ông Hùng phát biểu.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu thì nhấn mạnh một yêu cầu rất quan trọng là làm sao để nhân dân thực hiện được các quyền hiến định của mình trên thực tế. Và muốn vậy, cơ chế bảo hiến phải hoạt động thực sự có hiệu quả. Theo ông, “mô hình Hội đồng bảo hiến như dự thảo chưa phải là cơ quan tài phán; như vậy rất đáng tiếc. Cần trao quyền tài phán cho thiết chế này”.
Về chế định hành chính, tư pháp, nhiều nhà khoa học kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” nhằm đảm bảo tốt hơn quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử. Đồng thời, Hiến pháp cần quy định rõ hơn theo hướng nguyên tắc tranh tụng cần phải được đảm bảo trong mọi hoạt động tố tụng.
Ông Hoàng Minh Khôi (Phòng Tư pháp quận 2, TPHCM) gửi tới hội thảo ý kiến tham luận đáng lưu ý về quyền của người chưa thành niên – luôn chiếm một tỷ lệ đáng kể, khoảng 30% tổng dân số cả nước. Chuyên gia này nhận định: “Quyền của người chưa thành niên thể hiện tại dự thảo khá mờ nhạt, thiếu tính thống nhất về khái niệm “người chưa thành niên” và khái niệm “trẻ em”. Nội dung bảo hộ lợi ích của người chưa thành niên cũng chỉ được đề cập ở 3 lĩnh vực: quan hệ lao động, quan hệ hôn nhân – gia đình và quyền được chăm sóc, giáo dục; như vậy còn hạn chế nhất định.
Theo ông Khôi, ngoài các lĩnh vực đã đề cập, cần hiến định các quyền khác như quyền được sống, phát triển trong môi trường phù hợp, quyền không bị ngược đãi, bạo hành; không bị lạm dụng trong lao động, lạm dụng thân thể; quyền được bảo vệ an toàn tối đa trong trường hợp bị tước bỏ tự do hoặc giam giữ... Đặc biệt, cần bổ sung thêm quyền tư pháp của người chưa thành niên, với việc xác lập định chế về lâu dài cần tổ chức hệ thống tư pháp người chưa thành niên... Ông Khôi cung cấp thêm thông tin: chỉ tính riêng ở TPHCM, từ tháng 5-2007 đến tháng 5-2011 đã xảy ra gần 7.100 vụ phạm pháp với gần 10.600 người phạm tội là thanh thiếu niên, trong đó người chưa thành niên chiếm gần 30%.
A.THƯ