Đậm đà hương vị phương Nam

Ẩm thực cũng là văn hóa. Càng hội nhập càng cần gìn giữ, phát huy để “mấy nghìn năm ta vẫn là ta”. Lễ hội bánh dân gian Nam bộ - Cần Thơ lần thứ IV hướng đến điều đó.
Đậm đà hương vị phương Nam

Ẩm thực cũng là văn hóa. Càng hội nhập càng cần gìn giữ, phát huy để “mấy nghìn năm ta vẫn là ta”. Lễ hội bánh dân gian Nam bộ - Cần Thơ lần thứ IV hướng đến điều đó.

Đậm chất dân gian

Từ năm 2012 đến 2014, lễ hội bánh dân gian Nam bộ - Cần Thơ đã qua 3 lần tổ chức. Mỗi kỳ lễ hội người ta lại náo nức, chìm đắm trong kho tàng ẩm thực vô cùng phong phú của những người mở đất cõi phương Nam. Đó là các loại bánh biến tấu từ gạo dùng trong các ngày lễ, tết, hội hè và cũng là món tráng miệng thường ngày trong mỗi gia đình Nam bộ, như: bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh hỏi, bánh bèo, bánh xèo, bánh bò, bánh lá dừa, bánh canh, bánh tráng, bánh khọt, bánh tằm se tay, xôi chiên, xôi vò, các loại chè... Bà con Khmer có cà tum, cốm dẹp, nước thốt nốt; người Chăm có bánh gừng, bánh bò nướng; bánh phục linh, bánh củ cải của người Hoa.

Lễ hội bánh dân gian 2014.

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IV - 2015 với chủ đề “Bánh dân gian Nam bộ hướng đến hội nhập” diễn ra từ 27- 4 đến 1-5-2015, có quy mô 100 gian hàng, hơn 150 loại bánh dân gian, 50 món ăn đặc sản vùng miền trong và ngoài nước. Đặc biệt còn có các nghệ nhân đến từ một số quốc gia lân cận. Lễ hội mở ra không gian ẩm thực truyền thống đậm đà hương vị, nhiều sắc màu gắn với hiện đại. Là cơ hội cho khách du lịch quốc tế và trong nước giao lưu văn hóa, khám phá giá trị sáng tạo, thẩm mỹ của từng món ăn, đặc biệt là các món bánh; nối kết các doanh nghiệp, làng nghề và cộng đồng các dân tộc. Ẩn chứa trong đòn bánh tét bình dị là sự hòa hợp giữa trời, đất và con người nơi đây, là nghĩa tình thủy chung châu thổ. Thiên nhiên, sông nước Nam bộ đã hào phóng cho người phương Nam một kho tàng ẩm thực thật đặc sắc.

Bay xa hương vị phù sa

“Ngày hội bánh dân gian Nam bộ” đã chính thức được Bộ VH-TT-DL công nhận, nâng cấp trở thành “lễ hội” vào cuối năm 2014. Thương hiệu này gắn liền với TP Cần Thơ.

Lễ hội sôi động khi nội dung hấp dẫn. Sự hiện diện đầy đủ của những nghệ nhân, làng nghề đang âm thầm lưu giữ, phát triển tinh hoa nghệ thuật làm bánh sẽ làm rõ hơn tính “dân gian” đa dạng của lễ hội. Việc tạo điểm nhấn đòi hỏi sự năng động.

Rằng vui thì thật là vui, nhưng để tiến tới một lễ hội chuyên nghiệp, định kỳ hàng năm (vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương) vẫn rất cần nhiều nỗ lực và bước đi căn cơ, khoa học, năng động hơn nữa. “Các bạn có ổn định lâu dài được địa điểm, thời gian và giá cả hợp lý khi chúng tôi tham gia lễ hội?”, một đối tác Nhật Bản đặt vấn đề với thành viên ban tổ chức. Đã qua 3 lần, việc chọn địa điểm lần này (vòng xoay cồn Cái Khế) vẫn trầy trật khiến công tác tổ chức cùng các công ty du lịch làm tour thêm chật vật bởi quá cận kề. Xa hơn, chắc cũng cần một không gian khác khi lễ hội mở rộng quy mô, tầm vóc? Bài toán xã hội hóa kinh phí luôn làm đau đầu nhà tổ chức, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch Cần Thơ, đơn vị đầu mối lễ hội thừa nhận: “Cứ “đến hẹn lại lên” lãnh đạo địa phương cùng ban ngành liên quan lại “sôi sùng sục”, tất tả ngược xuôi”.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục