Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép các nhà hàng nổi và việc sử dụng vỏ xe cũ tràn lan để nuôi hàu khiến đầm Lập An - nơi được mệnh danh “chốn bồng lai tiên cảnh” của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang mất dần vẻ đẹp vì ô nhiễm.
Mạnh ai nấy làm
Kẹp giữa Lăng Cô (một trong những vịnh đẹp nhất thế giới) và dãy núi Bạch Mã nhấp nhô nên đập Lập An tựa như bức tranh non nước hữu tình, làm đắm say bao du khách ghé thăm. Đây còn là môi trường sinh sống lý tưởng của nhiều loại động, thực vật thủy sinh, giúp người dân trong vùng ổn định cuộc sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Thế nhưng giờ đây, khu vực quanh đầm đã xuất hiện nhiều nhà hàng nổi xập xệ như những nhà chồ khổng lồ.
Tình trạng dựng nhà hàng nổi đang phá vỡ cảnh quan và gây ô nhiễm môi trường đầm Lập An
“Không ai muốn nhà hàng, quán nhậu lùm xùm, nhếch nhác mọc ngay trên mặt nước trước cửa nhà mình nhưng chính quyền địa phương đồng ý cho họ làm thì dân biết kêu ai”, một người dân buồn bã vừa nói vừa chỉ tay về phía mấy nhà hàng che chắn tạm bợ trên mặt nước đầm Lập An.
Muôn ngàn lý do
Ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng vì các chủ kinh doanh nhà hàng nổi trên đầm Lập An đều là người địa phương nên đành tạo điều kiện để họ làm ăn và cũng để du khách có nơi thưởng thức hải sản địa phương. Các hộ dựng nhà hàng, ngoài việc trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng và cấp phép hoạt động, còn phải đóng phí “hoa lợi” 15 triệu đồng/hộ/năm cho địa phương.
Bên cạnh đó, quy hoạch vùng nuôi hàu mới tại đầm Lập An nằm hoàn toàn ở phía Tây đầm, có diện tích 100ha và được chia thành 5 khu vực. Mỗi khu vực có chiều dài 200m, cách nhau 15-20m, độ sâu 5m, cách bờ 50m và tránh những luồng lạch ảnh hưởng đến tàu, thuyền ra vào đầm. Song quá trình giải tỏa và đưa những hộ nuôi hàu vào vùng quy hoạch đang ì ạch, dẫn đến tình trạng lộn xộn và nhếch nhác trên đầm này.
Ông Mai Văn Xỉ, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Lộc, cho biết khó nhất trong việc xử lý diện tích nuôi hàu ngoài quy hoạch là các cọc tre do người dân chôn xuống đầm, nhưng giờ họ không chịu nhổ. Chính quyền phải tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Nhưng tính riêng 30ha giải tỏa chi phí đã tốn hơn 200 triệu đồng. Đó mới chỉ là chi phí thực hiện phương án cưa ngang mặt nước, còn nhổ lên toàn bộ sẽ rất tốn kém. “Hai mục tiêu đặt ra trong thời gian tới là tất cả hộ nuôi hàu phải vào vùng quy hoạch; chuyển từ nuôi hàu bằng cọc tre, giá thể nuôi từ vỏ xe, sang nuôi bằng bè tre và vỏ hàu tự nhiên gắn vào bè tre âm dưới mặt nước. Chi phí nuôi tăng lên nhưng sẽ đảm bảo tính bền vững và mỹ quan của đầm Lập An. Ngoài ra, để đảm bảo sinh kế cho các hộ nuôi đã bị giải tỏa, chúng tôi sẽ vận động người dân chia sẻ diện tích với nhau và kết hợp họ lại thành từng tổ khoảng 20 thành viên”, ông Xí nói.
Mong rằng các cấp chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cần có hướng xử lý dứt điểm tình trạng này nhằm trả lại cảnh quan tuyệt đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho đầm Lập An.
VĂN THẮNG