Đàm phán xử lý khủng hoảng Yemen: Nảy sinh bất đồng mới

Đàm phán về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Yemen có nguy cơ bị đình trệ khi Nga phản đối các đề xuất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) về các lệnh cấm vận vũ khí.
Đàm phán xử lý khủng hoảng Yemen: Nảy sinh bất đồng mới

Đàm phán về giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Yemen có nguy cơ bị đình trệ khi Nga phản đối các đề xuất của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) về các lệnh cấm vận vũ khí.

Nhà cửa của người Yemen bị san bằng bởi các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu.

Mở rộng phạm vi trừng phạt

GCC đã bắt đầu thương thảo với 5 nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ (gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc) cùng Jordan ngay sau khi Saudi Arabia tiến hành một chiến dịch không kích nhằm vào lực lượng phiến quân Hồi giáo Houthi theo dòng Shiite tại Yemen ngày 26-3 mà không có ủy nhiệm từ LHQ.

Một nguồn tin ngoại giao ngày 1-4 cho biết GCC hiện không theo đuổi một nghị quyết ủng hộ hành động quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu tại Yemen, thay vào đó mong muốn thúc đẩy một lệnh cấm vận vũ khí cùng các trừng phạt nhằm vào lực lượng Houthi. Trong khi đó, Nga không ủng hộ việc áp đặt trừng phạt lên phiến quân Houthi mà đề xuất các sửa đổi, theo đó mở rộng phạm vi cấm vận đối với tất cả các bên trong cuộc xung đột, bao gồm cả lực lượng của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi. Ngoài ra, Nga cũng đề nghị lập một danh sách các thủ lĩnh phe đối lập để xem xét liệt vào diện cấm đi lại và đóng băng tài sản.

Dự thảo nghị quyết đang được thảo luận tại HĐBA hướng tới nối lại đối thoại chính trị giữa các bên, vốn bị cắt đứt sau khi phiến quân Hồi giáo Houthi đẩy mạnh các chiến dịch tấn công buộc tổng thống Yemen tới Saudi Arabia lánh nạn.

Chiến sự vẫn ác liệt

Bất chấp các cuộc không kích của liên quân, ngày 2-4, các phiến quân Hồi giáo Houthi đã tiến sâu vào trung tâm thành phố miền Nam Aden. Trước đó, nhóm tay súng Houthi được trang bị xe tăng và thiết giáp đã tấn công quận Khor Maksar, một quận chiến lược tập trung nhiều cơ quan của LHQ và lãnh sự. Lực lượng này đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ nhóm dân quân địa phương và 8 tay súng bị tiêu diệt. Tuy nhiên, phiến quân Houthi đã chiếm Khor Maksar, sau đó tiến vào dinh tổng thống. Hồi tuần trước, Tổng thống Hadi đã rời Aden sang thủ đô Riyadh của Saudi Arabia lánh nạn.

Theo nguồn tin của hãng Reuters, lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi đã rút khỏi các cứ điểm ở trung tâm Aden sau các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu vào rạng sáng 2-4. Nguồn tin nói rằng một đơn vị của Houthi và các tay súng ủng hộ đã đi qua quận Maksar trên những chiếc xe tăng và thiết giáp vào trung tâm Aden cách đây 24 giờ đồng hồ hiện đã rút lui, mặc dù chúng vẫn cắm chốt ở các khu vực lân cận. Trước đó, phiến quân Houthi đã chiếm đóng Aden - khu vực lớn cuối cùng do những người ủng hộ tổng thống được quốc tế công nhận Abd-Rabbu Mansour Hadi kiểm soát, bất chấp chiến dịch không kích suốt 1 tuần qua của Saudi Arabia và lực lượng đồng minh gồm các nước Arab.

Liên hiệp quốc hiện rất quan ngại về tình hình thương vong sau chiến dịch không kích do Saudi Arabia dẫn đầu. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết có ít nhất 62 trẻ em đã thiệt mạng trong tuần qua. Các cơ quan cứu trợ cũng báo động về tình trạng an toàn của người dân mắc kẹt trong các cuộc giao tranh. Việc điều phối nhân viên và vận chuyển hàng hóa cứu trợ vào Yemen bị cản trở do mọi sân bay quốc tế ở các thành phố Sanaa, Aden và Hodeida đều đóng cửa và các cảng biển chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt.

Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cũng cho biết không thể tiếp cận các địa phương do an ninh không được đảm bảo. Cùng lúc này, một báo cáo của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York cho biết Saudi Arabia đã sử dụng các loại vũ khí bị quốc tế nghiêm cấm trong các cuộc không kích chống lực lượng phiến quân Houthi. Theo HRW, những chứng cứ mới cho thấy các cuộc không kích do Saudi Arabia cầm đầu ngày 26-3 vào làng Bani Hawat ở miền Trung Tây Yemen đã sử dụng bom chùm bị cấm khiến 23 thường dân Yemen thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em và 5 phụ nữ. Những cuộc không kích kéo dài suốt 7 ngày qua đã khiến ít nhất 126 thường dân Yemen thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Trong khi đó, nguồn tin tại đại sứ quán Nga ở Yemen cho biết, tòa nhà lãnh sự quán của nước này tại thành phố cảng Aden của Yemen đã bị hư hỏng nặng do các cuộc không kích của liên quân quốc tế. Nga hiện đang cân nhắc đến khả năng đóng cửa tòa nhà lãnh sự quán này và sơ tán các công dân ra khỏi đây.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục