Dân ca ví, giặm tỏa sáng trong kho tàng di sản thế giới

Trong phiên họp ngày 27-11-2014 tại Paris, Pháp, UNESCO đã ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 31-1-2015, tại TP Vinh, Nghệ An, diễn ra lễ vinh danh dân ca ví, giặm là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Dân ca ví, giặm tỏa sáng trong kho tàng di sản thế giới

Trong phiên họp ngày 27-11-2014 tại Paris, Pháp, UNESCO đã ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 31-1-2015, tại TP Vinh, Nghệ An, diễn ra lễ vinh danh dân ca ví, giặm là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Không phải là người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, nhưng nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan lại chính là người có nhiều nghiên cứu sâu về ví, giặm. Ông còn được mời viết một bản nhận xét về hồ sơ ví, giặm ở khía cạnh âm nhạc học. Theo ông, ví, giặm là một trong số ít dòng nhạc dân gian có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

Âm nhạc nảy mầm từ trong lao động

* Thưa nhạc sĩ, là người đã dành gần như toàn bộ cuộc đời nghiên cứu và gắn bó với âm nhạc dân gian, đặc biệt ông cũng chính là người xây dựng bộ phim về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về di sản này?

- Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.

Dân ca ví, giặm theo con người Nghệ Tĩnh từ thời sơ sử cho đến tận bây giờ. Con người xứ Nghệ và nghệ thuật ví, giặm là một khối thống nhất. Loại hình dân ca này cũng có nội dung phong phú, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người. Dân ca ví, giặm mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, đề cao sự chung thủy, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã. Lời ca gắn bó chặt chẽ với phương ngữ xứ Nghệ là một trong những điểm độc đáo nhất của dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Đây cũng là điều kiện quan trọng để loại hình dân ca này có sức sống bền lâu và sức lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng xứ Nghệ.

Dân ca ví, giặm xứ Nghệ thường được thực hành trong cuộc sống: Lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Bởi vậy, những lối hát này được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như ví phường vải, ví phường đan, ví phường nón, ví phường củi, ví trèo non, ví đò đưa, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên... Ví và giặm xứ Nghệ có điểm chung là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể, được diễn xướng theo ba hình thức: hát lẻ, hát đối và hát cuộc. Bên cạnh đó, giữa hát ví và hát giặm có những điểm khác biệt. Hát ví có âm điệu tự do, phụ thuộc lời ca ở thể thơ lục bát, song thất lục và phụ thuộc bối cảnh trình diễn. Trong khi đó, hát giặm là thể hát nói có nhịp điệu, tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, thường là nhịp 3/4 và 6/8.

Là người theo đuổi và nghiên cứu nhiều năm, phải nói là tôi rất vui khi ví, giặm được vinh danh di sản. Bởi đây sẽ là động lực để chúng ta có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy và truyền dạy cho con cháu. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui ấy, chúng ta cần nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn nữa về loại hình nghệ thuật dân gian này để giữ được ngôn ngữ độc đáo cho ví, giặm. Đặc biệt nghiên cứu bắt đầu từ chữ “ví, giặm” xem nó là “giặm” hay “dặm” mới đúng.

* Ông có thể nói rõ hơn về chữ “ví, giặm” này?

- Ví, giặm Nghệ Tĩnh đã giữ được toàn vẹn âm hưởng, làn điệu của dân ca, đồng thời người dân vẫn sáng tác lời ca, vẫn dùng làn điệu ví, giặm để phản ánh con người đương thời, đương đại. Trong hồ sơ đệ trình UNESCO, hai chữ ví, giặm có cách viết “giặm”, theo tôi đã có sự hiểu lầm. Tại hội nghị quốc tế công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, GS Trần Quang Hải đã có lời giải thích dân ca ví, giặm tức là người dân vừa hát vừa “giặm” chân. Tôi cho rằng, đây là một nhận xét đưa ra khi chưa nghiên cứu kỹ lưỡng về ví, giặm. Hiện tại, chúng ta dùng và viết chữ “giặm” nhưng vẫn chưa thể cắt nghĩa nghệ thuật của cách gọi này. Theo quan điểm của tôi, “ví, dặm” tức là dặm trường, dặm đường. Bởi chúng ta vẫn biết, trong cách hát ví là hát đối đáp 5 lễ. “Ví” ở đây được hiểu là ví phường vải, ví phường cấy, ví đò đưa, ví trèo non… còn “dặm” ở đây là liên quan tất cả sinh hoạt nông nghiệp. Đồng tình với ý kiến của tôi, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, một người sinh ra ở mảnh đất dân ca ví, giặm, cho biết, bố ông cũng từng giải thích với ông như vậy.

* Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nghệ thuật dân gian phải luôn có không gian trình diễn, nếu mất không gian trình diễn đồng nghĩa với việc mất loại hình nghệ thuật đó. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh có nằm trong dòng chảy đó?

- Đúng là lâu nay giới nghiên cứu trên thế giới vẫn nói, nghệ thuật dân gian phải luôn có không gian trình diễn, nếu mất không gian trình diễn không thể gọi là nghệ thuật dân gian. Nhưng ở Việt Nam điều này hơi ngược, không gian diễn xướng đã mất mà nghệ thuật vẫn còn. Người dân bảo vệ nghệ thuật trên một không gian quá khứ, và ở đây dân ca ví, giặm là một trong những hiện tượng nghệ thuật dân gian rất tiêu biểu của việc chuyển đổi chức năng. Chúng ta vẫn biết các phường ví như phường cấy, phường gặt… ở Nghệ Tĩnh đã mất từ lâu, sinh hoạt phường không còn, nhưng giá trị âm nhạc, giá trị thi ca, lời hát của ví, giặm vẫn còn nguyên. Người dân đã khôn khéo chuyển đổi không gian trình diễn từ chức năng thực hành lao động sang chức năng giải trí cộng đồng. Và khi chuyển đổi chức năng, từ không gian lao động sang không gian giải trí thì ví, giặm trở lại đời sống một cách hồn nhiên, sâu rộng. Chính vì vậy, người Nghệ Tĩnh đã giữ được dân ca ví, giặm cho đến ngày hôm nay, giữ một cách toàn vẹn.

Liên hoan dân ca ví, giặm xứ Nghệ đã góp phần bảo tồn và phát triển di sản quý của dân tộc

Ví, giặm mang hơi thở cuộc sống đương đại

* Các di sản sau khi được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thường phải đối mặt những khó khăn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Hiện tượng sân khấu hóa cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng màu sắc của di sản khiến di sản bị biến tướng. Theo ông, ví, giặm Nghệ Tĩnh có gặp phải vấn đề này?

- Ví, giặm không xa rời đời sống cộng đồng nên người ta đã xây dựng nên những sân khấu ví, giặm, nói cách khác là xây dựng nên một hình thức ví, giặm khác không thuộc cái tầng của nghệ thuật ví, giặm dân gian. Vì thế có thể nói, ví, giặm ở Nghệ An, Hà Tĩnh có hai tầng, đó là tầng sân khấu hiện đại và tầng văn hóa dân gian. Hai tầng ví, giặm nay đang song song tồn tại, đang đắp đầy đời sống văn hóa của nhân dân. Điều này không đáng lo lắng trong việc bảo tồn, càng không lo lắng nó biến mất, vì nếu biến mất thì nó đã biến mất rồi, chuyển đổi thì nó cũng đã chuyển đổi rồi, khi nó chuyển đổi thành nghệ thuật sinh hoạt thì nó sẽ biến đổi vô cùng để thích nghi đời sống. Nếu trước kia người ta hát ví riêng, hát giặm riêng thì nay cứ sau câu hát ví là họ hát giặm. Sự chuyển đổi ấy rất hợp lý, hòa hợp giữa ví và giặm trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng độc đáo, sáng tạo. Ví, giặm trở thành hình thức tổ chức âm nhạc rất đặc biệt, có sức hấp dẫn đặc biệt với cộng đồng.

Ví, giặm sân khấu ra đời gần trăm năm rồi, chắc chắn không làm ảnh hưởng xấu tới di sản dân gian, ngược lại nó làm đầy hơn đời sống văn hóa của cộng đồng. Ví, giặm lên được sân khấu là nhờ dân gian bởi cộng đồng đã chuyển lối sống sinh hoạt thuở xưa ở đồng ruộng, sông nước, các làng dệt vải, trở thành nghệ thuật giải trí với hình thức đối ca, tam ca...

Tôi cho rằng, người Nghệ Tĩnh đã giữ được nguyên dân ca ví, giặm ở hai khía cạnh. Thứ nhất, họ giữ nguyên được linh hồn âm nhạc của ví và giặm, thứ hai là họ giữ nguyên được lối ca hát ví, giặm, tức là ứng tác tại chỗ. Trong khi một số loại hình nghệ thuật dân gian như quan họ Bắc Ninh bảo tồn, không thể sáng tác lời ca mới, mà chỉ hát lại lời cổ thì ví, giặm Nghệ Tĩnh ngược lại vẫn giữ được toàn vẹn âm hưởng, làn điệu của dân ca, đồng thời người dân vẫn sáng tác lời ca, họ vẫn dùng làn điệu ví, giặm để phản ánh con người đương thời, đương đại. Đó chính là giá trị quý báu của loại hình nghệ thuật dân gian này mà thế giới rất thích và công nhận.

* Vậy liệu có gì mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm hay không thưa ông?

- Ví, giặm là một nhạc ngữ riêng, không giống nhạc ngữ của vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã. Nó là nhạc ngữ riêng của vùng Bắc Trung Bộ. Nhạc ngữ ấy làm âm nhạc dân gian Việt Nam phong phú hơn về âm hưởng, đặc biệt nó là tiền đề của rất nhiều sáng tạo nghệ thuật mới dựa trên âm hưởng dân ca ví, giặm. Cũng chính nhờ có ví, giặm, chúng ta có hàng trăm bài nhạc, dân ca mới, nhạc không lời mới viết trên chất liệu ví, giặm, nói cách khác, ví, giặm là chất liệu giúp các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm mang đầy tính hiện thực. Trong quá trình lịch sử, ví, giặm đã tự giải phóng mình khỏi môi trường thực hành lao động.

Điều này không thấy nhiều ở các nghệ thuật truyền thống khác. Và đó là nguyên nhân chính để ví, giặm phát triển rộng rãi, đồng nhất trong suốt chiều dài lịch sử xã hội. Cụ thể, nếu như trước kia chỉ đi cấy hát phường cấy, làm vải hát phường vải, đi đò hát phường đò... thì qua quá trình biến đổi, cộng đồng không bị bó hẹp bởi ngoại cảnh này nữa.

Mới đây, tôi được mời dự hai hội thảo quốc tế tại Nghệ An, Hà Tĩnh về dân ca ví, giặm. Tôi cảm thấy rất tiếc khi được người dân chia sẻ là họ rất buồn, bởi muốn được hát những bài vừa sáng tác thì không được hát, cứ phải hát lại những bài cổ. Tôi nghĩ chúng ta đôi khi làm khoa học mà khiên cưỡng quá. Đáng lý phải để cho họ hát những bài hát phản ánh đúng đời sống của họ. Tôi cho điều đó thể hiện sự nhạy bén của loại hình nghệ thuật dân ca ví, giặm, đó cũng là điều thế giới thích nhất khi người dân tự sáng tác, tự thể hiện, cũng là điều quý giá nhất đối với nghệ thuật dân gian. Cũng nên cho nghệ nhân truyền dạy, chúng ta nuôi các nghệ nhân truyền dạy bằng cách trả thù lao chứ không phải trả lương. Trả thù lao là hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy cho cộng đồng chứ không phải là bao tất lương để anh hưởng thụ rồi không làm gì cả. Hỗ trợ đến mức tối đa để nghệ nhân có sự truyền dạy tối đa. Trong quá trình điền dã của mình, tôi thấy rằng nghệ nhân nào cũng khao khát được truyền dạy, vấn đề là các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện cho họ truyền dạy.

* Cảm ơn nhạc sĩ.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục