Dân “chê” nhà tái định cư

Dân “chê” nhà tái định cư

Nhiều khu nhà tái định cư (TĐC) ở Kon Tum được xây dựng với mục đích đưa các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở ra vùng an toàn để ổn định cuộc sống. Nhưng do nhà TĐC xa nương rẫy, không có đường giao thông… nên dân chấp nhận đánh cược tính mạng  sống trong những ngôi nhà tồi tàn, xập xệ.

Khu tái định cư thôn Ba Tu vắng bóng người ở

Trống vắng

Năm 2009, cơn bão số 9 đổ bộ vào Kon Tum khiến nhiều nhà cửa, tài sản bị lũ cuốn trôi. Để ổn định đời sống của nhân dân vùng bị sạt lở, tỉnh Kon Tum triển khai nhiều khu TĐC mới ở các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei, Sa Thầy, Kon Plông. 

Tuy nhiên, hiện rất nhiều khu TĐC cư vắng bóng người, có nơi chỉ vài ba hộ đến ở, gây lãng phí rất lớn. Tại huyện Tu Mơ Rông có nhiều dự án bố trí di dời TĐC cho hơn 1.300 hộ thuộc 21 thôn. Trong đó, khu TĐC thôn Ba Tu 3, xã Ngọc Yêu có 52 hộ, xây dựng 2 dãy nhà đối diện nhau. Hiện khu TĐC này chỉ có 5/52 hộ ở ổn định; số còn lại, mùa nắng vẫn ở làng cũ, đến mùa mưa mới lên khu TĐC). Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, ngoài điểm TĐC ở thôn Ba Tu 3 nói trên, một số khu TĐC ở Đắk Sao, Văn Xuôi cũng vắng dân.

Tại huyện Đắk Glei, dự án bố trí di dời cho 5 điểm dân cư với 268 hộ. Hiện tại, khu TĐC ở thôn Đông Thượng và thôn Đắk Đoát (xã Đắk Pét) có khoảng 47 hộ nhưng nhà cửa đóng kín mít, cỏ che kín lối đi. Tương tự, tại huyện Kon Plông, khu TĐC ở thôn Xô Luông (xã Đăk Nên) cũng trong tình trạng lưa thưa người đến ở.

Xa nương rẫy

Không ở khu TĐC mới, hàng chục hộ dân thôn Ba Tu 3 (xã Ngọc Yêu) vẫn sống trong nhà gỗ ở làng cũ. Ngôi làng này nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đồi và bão lũ có thể cuốn phăng bất cứ lúc nào. Ông A Khiến, Trưởng thôn Ba Tu 3, cho biết, lý do khiến dân “chê” nhà TĐC là khu này xa nương rẫy (khoảng 6km), trong khi đường vận chuyển nông sản từ làng cũ lên khu TĐC chưa có. Một vấn đề khác, trong năm 2013 đã xảy ra sự cố sập tường nhà TĐC nên dân cũng ngại đến ở.

Theo Sở NN-PTNT Kon Tum, khu TĐC ở các huyện Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông vắng người do công tác bảo dưỡng công trình chưa được thực hiện thường xuyên, một số công trình xuống cấp nhưng chưa được khắc phục cải tạo, không đáp ứng được nhu cầu sinh sống của các hộ dân. Việc bố trí dân cư mới chỉ chú trọng đến chỗ ở an toàn chứ chưa tính khoảng cách đến khu sản xuất nên các hộ dân không gắn bó với nhà ở mới. Sau khi TĐC, việc giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người dân gặp nhiều khó khăn, các phong trào sinh hoạt cộng đồng tại các khu ở mới vẫn chưa được các ngành, đoàn thể quan tâm phát động, tạo không khí sinh động nơi ở mới nên các hộ dân vẫn chưa thực sự gắn bó lâu dài.

Hiện các địa phương đang tích cực vận động dân ra khu TĐC ở. Trong tháng 11-2015, lãnh đạo Huyện ủy Tu Mơ Rông thay phiên nhau xuống tận thôn bản cùng ăn, ở với dân để nắm bắt tâm tư.  Ông A Dân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tu Mơ Rông, cho biết, qua tâm sự với dân, họ cũng đã nói hết vướng mắc chưa thể ra khu TĐC ở như luật tục hay bận mùa màng... Họ cũng nêu nguyện vọng được sửa lại điện, nước, hỗ trợ xe để vận chuyển đồ đạc. Huyện đã chỉ đạo khắc phục những tồn tại và giải quyết nguyện vọng nói trên của dân. Còn theo ông Nguyễn Văn Lân, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, trước khi lập quy hoạch xây dựng, huyện cũng đã lấy ý kiến và dân cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, khi xây dựng xong, một số hộ lại lấy lý do nhà xa nên chưa chịu lên ở. Hiện ngành chức năng huyện Kon Plông đang liên tục cử cán bộ đến nhà vận động, thuyết phục các hộ còn lại ra khu TĐC để đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống.

VÕ PHÚC

Tin cùng chuyên mục