Một ngày cuối tháng 10-2013, từ sáng sớm, ông Nguyễn Ngọc Châu (nhà ở xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn TPHCM) đã đến Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Hóc Môn để tham gia ngày hội tư vấn pháp luật về lĩnh vực xây dựng. Lâu nay muốn được tách thửa, xin cấp thêm số nhà trên miếng đất gia đình đang sinh sống nhưng không biết trường hợp của mình có thuộc diện được giải quyết hay không nên ông Châu mong được hướng dẫn.
Tư vấn cụ thể
Mảnh đất của gia đình ông Châu đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, có diện tích 145,8m². Trên đất hiện có một căn nhà, nơi cả gia đình đang sinh sống. Nhà đông người, ông Châu muốn tách thửa để được cấp thêm số nhà, có thêm định mức điện sinh hoạt. Tại ngày hội tư vấn pháp luật, ông được cán bộ của Sở Xây dựng TPHCM giải thích: Theo Quyết định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 25-2-2009 của UBND TPHCM quy định về diện tích đất tối thiểu sau khi tách thửa, huyện Hóc Môn thuộc khu vực 3 nên diện tích thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại phải tối thiểu 80m², chiều rộng mặt tiền không nhỏ hơn 5m. Mảnh đất của gia đình ông có chiều rộng mặt tiền 5m, nhưng diện tích đất thiếu 14,2m² để đảm bảo sau khi tách thửa, mỗi miếng được 80m². Dẫu không được câu trả lời như mong muốn, nhưng ông Châu cho biết rất hài lòng với cách giải thích thỏa đáng trên, nhờ đó ông không còn suy nghĩ về việc xin cấp thêm số nhà.
Tương tự, ông Hoàng Công Giao (ngụ xã Xuân Thới Đông huyện Hóc Môn) mang nỗi niềm chưa thể an cư vì nhà chưa có giấy tờ hợp lệ đến với ngày hội tư vấn pháp luật. Mua đất cất nhà bằng giấy tay từ năm 2002, nhưng do chủ đất đã qua đời, cùng với một số vấn đề rắc rối liên quan đến pháp lý nên đến nay gia đình ông chưa được cấp giấy tờ nhà. Sau khi nghe ông Giao trình bày, cán bộ tiếp ông đã liên hệ ngay với cán bộ địa chính của xã Xuân Thới Đông, rồi cho biết UBND xã Xuân Thới Đông đã có tờ trình lên UBND huyện Hóc Môn về trường hợp của ông và những trường hợp tương tự; mời ông một tuần sau liên hệ cán bộ địa chính xã để biết hướng chỉ đạo giải quyết của UBND huyện. Tuy vẫn còn phải chờ đợi nhưng ông Giao cũng cảm ơn những người làm công tác tư vấn pháp luật đã giải thích cặn kẽ, nhiệt tình liên hệ tìm hiểu tình trạng hồ sơ, nhờ vậy ông biết hồ sơ của mình đang đến đâu.
Tiếp nhận, phản ánh ý kiến người dân
Ông Nguyễn Ngọc Châu và ông Hoàng Công Giao nằm trong số khoảng 1.700 trường hợp được giúp đỡ tại các ngày hội tư vấn pháp luật về lĩnh vực xây dựng do Sở Xây dựng TPHCM phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức. Từ năm 2011 đến nay, đã có 10 ngày hội tư vấn pháp luật diễn ra tại các quận, huyện Tân Phú, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Tân, Thủ Đức, 2, 9, 12, Hóc Môn. Tại đây, các cán bộ phụ trách chuyên môn của Sở Xây dựng và cán bộ chuyên trách của quận, huyện trực tiếp giải đáp thắc mắc cụ thể của người dân về các lĩnh vực: cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cấp số nhà, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng...
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết: “Ngày hội tư vấn được tổ chức với ba mục đích: tuyên truyền pháp luật theo tinh thần “nói cho dân nghe và nghe dân nói”; giải đáp thắc mắc, hướng dẫn người dân thủ tục hành chính để giải quyết những hồ sơ cụ thể; tiếp nhận ý kiến góp ý những nội dung cần sửa đổi để Sở Xây dựng nghiên cứu cải tiến, tạo thuận lợi hơn cho người dân. Đối với những trường hợp quận, huyện làm chậm trễ hồ sơ thì quận, huyện kiểm tra lại”. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng ghi nhận và báo cáo những vấn đề người dân bức xúc liên quan đến thẩm quyền giải quyết của thành phố. Chẳng hạn, sau ngày hội tư vấn pháp luật tại quận Thủ Đức, tháng 9-2012 Sở Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TPHCM phản ánh những bức xúc của các hộ dân thuộc Dự án Đại học Quốc gia và mở rộng xa lộ Hà Nội (trên địa bàn KP6 phường Linh Trung quận Thủ Đức) để lãnh đạo thành phố kiểm tra, xem xét giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.
| |
ÁI CHÂN