Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lữ Văn Hùng (ảnh), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, về quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
- PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết, trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh Hậu Giang đã đạt dược kết quả như thế nào?
- Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LỮ VĂN HÙNG: Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã được tỉnh cụ thể hóa và triển khai rộng khắp. Công tác chỉ đạo, triển khai phong trào được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc với nhiều biện pháp và nội dung phù hợp. Tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011-2020.
Theo đó, UBND các cấp đã cụ thể hóa các nội dung để tổ chức thực hiện. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền, nội dung phong trào thi đua đã được phổ biến sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và được nhân dân đồng tình, hưởng ứng.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tích tiêu biểu. Đến nay, có 29/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Châu Thành A được công nhận huyện nông thôn mới, TP Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới); số tiêu chí bình quân là 15,6 tiêu chí/xã, các xã còn lại hiện đạt ít nhất từ 8 tiêu chí trở lên (dự kiến cuối năm 2019 có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và năm 2020 thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới).
Phong trào xây dựng nông thôn mới được lan tỏa khắp nơi, từ cán bộ đến nhân dân trong tỉnh đồng lòng thực hiện; bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày, thu nhập của người dân được cải thiện nhờ có sinh kế ổn định.
Cụ thể, một số chỉ tiêu chủ yếu được nâng lên trong giai đoạn 2010-2020, tiêu biểu: Thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng từ 13,18 triệu đồng năm 2010 lên 37,887 triệu đồng năm 2018 và dự kiến năm 2019 đạt trên 41 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 còn 7,13% đánh giá theo chuẩn nghèo đa chiều; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo nghề tăng từ 40,1% năm 2010 lên 49,18% năm 2018. Đồng thời, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 83,6%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia tăng từ 81,8% lên 96,6%.
Trong giai đoạn 2010-2019 đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và bê tông hóa trên trên 651km đường, 357 cây cầu, tổng kinh phí thực hiện trên 2.200 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách hơn 740 tỷ đồng (nguồn ngân sách Trung ương phân bổ trực tiếp để đầu tư tiêu chí giao thông là trên 93 tỷ đồng). Ngoài ra, toàn tỉnh có 52/53 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã, đạt 98,1% và 407/407 ấp có đường xe 2 bánh đi lại được trong 2 mùa mưa, nắng, đạt 100%.
- Đâu là yếu tố để Hậu Giang đạt được những kết quả tích cực như trên?
- Trước tiên, cần phải nói đến việc tuyên truyền được tỉnh quan tâm ngay từ những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Người dân nhận thức đầy đủ, rõ ràng về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm, vai trò chủ thể, đồng thời là người hưởng thụ trong xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tích cực đóng góp ngày công lao động, vật chất, tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa ấp và các công trình khác thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. “Tình làng, nghĩa xóm” trong người dân ngày càng được vun đắp.
Đồng thời, tỉnh đã lồng ghép các chương trình, dự án về nông nghiệp, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp sản xuất nông nghiệp có bước phát triển mới, tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, có một số sản phẩm đặc trưng, mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế; nhờ đó đời sống nhân dân từng bước được nâng cao.
Tỉnh xem xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí trong Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ theo lộ trình, kế hoạch của từng năm.
Các nội dung thực hiện đều được bàn bạc thống nhất với nhân dân để triển khai, đảm bảo nâng cao tính dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra; các chương trình có đầu tư, lấy chất lượng làm trọng tâm, trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định. Từ đó đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân dân; chủ động thời gian đẩy nhanh tiến độ và chất lượng hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Với tinh thần chỉ đạo tập trung và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là việc thực hiện theo phương châm hướng về cơ sở, gần dân, sát với dân hơn, nên thời gian hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh sớm hơn so với mục tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra.
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010-2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh “Cần tiếp tục coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thế mạnh, còn rất nhiều dư địa, lợi thế trong tiến trình phát triển và hội nhập. Nhất quán quan điểm xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, chưa và không có điểm kết thúc”, tỉnh Hậu Giang sẽ quán triệt tinh thần này ra sao?
- Chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một điểm nhấn quan trọng để tiếp tục đưa quá trình xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả ngày càng cao hơn. Trong đó, cần khai thác đúng các dư địa trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Tỉnh Hậu Giang xác định: Cần tiếp tục quán triệt các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể phải nắm vững mục tiêu và hệ thống các tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu cấp thiết của người dân ở từng địa phương; phát huy cao nguồn lực nội lực; lồng ghép các chương trình, dự án; lựa chọn, tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
Qua đó, tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng, tạo niềm tin và đáp ứng với tâm tư nguyện vọng của người dân trong sự phát triển để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, sát tình hình thực tế của từng địa phương và phù hợp với sức dân.
Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần có kế hoạch cụ thể, sát đúng với từng địa phương, đơn vị; có phân công đỡ đầu, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện để có sự điều chỉnh và giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc ngay từ khi mới phát sinh ở cơ sở; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để kịp thời động viên các địa phương làm tốt, các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình.
Các địa phương trong tỉnh cần linh động lồng ghép các chương trình. Nhất là quán triệt phương châm không làm thay, tạo sức mạnh tại chỗ, xác định dân vừa là chủ thể, vừa là người hưởng thụ trong xây dựng nông thôn mới, lấy nền tảng sức dân là cơ bản, các ngành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương thực hiện tiêu chí nông thôn mới. Phân ra những phần việc cụ thể, việc nào dân làm, việc nào Nhà nước hỗ trợ, để triển khai đồng bộ và có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, phải biết kế thừa, phát huy những bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có bài học xuyên suốt đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” với khẩu hiệu “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”.
"Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội rất quan trọng. Cần nhìn nhận và đánh giá đúng những đóng góp của MTTQ tỉnh và các đoàn thể vào quá trình xây dựng nông thôn mới. Việc tỉnh hiệp thương, phối hợp thống nhất thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2020, được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở tích cực thực hiện. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, như “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường“, “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”, “5 không - 3 sạch”, mô hình “6 không - 3 sạch” (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), Sở Công thương phát động kế hoạch “Ngành công thương chung sức xây dựng nông thôn mới”. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh có phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Lực lượng vũ trang chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, mô hình “Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong xây dựng nông thôn mới tại gia đình”... Qua đó, nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt, xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã phát động nhiều phong trào nổi bật như “Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng - an ninh”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Kết quả đã có 60.740 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 4.200 hộ thoát nghèo; hỗ trợ 54 dụng cụ chứa nước cho hộ nghèo; phối hợp ngành nông nghiệp hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, kết quả có 55.954 mô hình làm ăn hiệu quả" |