Dân Làng Vân chưa vui

Những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ XX, bệnh phong (cùi) là căn bệnh truyền nhiễm không có thuốc chữa trị. Thời ấy, ai bị bệnh phong đều bị cộng đồng né tránh vì sợ lây bệnh. Vì thế, Làng Vân nằm ở eo biển dưới chân đèo Hải Vân là nơi lý tưởng để những người mắc bệnh phong cư ngụ.
Dân Làng Vân chưa vui

Những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ XX, bệnh phong (cùi) là căn bệnh truyền nhiễm không có thuốc chữa trị. Thời ấy, ai bị bệnh phong đều bị cộng đồng né tránh vì sợ lây bệnh. Vì thế, Làng Vân nằm ở eo biển dưới chân đèo Hải Vân là nơi lý tưởng để những người mắc bệnh phong cư ngụ.

Ở Làng Vân mới gia đình ông Nguyễn Thanh Tú có cuộc sống ổn định hiếm hoi nhờ nghề điêu khắc đá.

Xa làng

Ngày 25-8-2012, 60 hộ dân Làng Vân (thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) dọn nhà, rời bỏ ruộng vườn vào đất liền định cư tại tổ 13 và 14, phường Hòa Hiệp Nam theo chủ trương của TP Đà Nẵng. Nơi ở mới chỉ cách nơi ở cũ chỉ chừng 10km nhưng một bên là phố xá nhộn nhịp, một bên là ốc đảo ngăn núi cách biển.

Làng Vân mới là những dãy nhà liền kề nằm sát con đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Nơi ở mới đã là “phố” nhưng người dân vẫn quen gọi tên Làng Vân. Khác với cảnh phồn hoa xung quanh, Làng Vân mang nỗi buồn không thể kể tên. Trước hiên nhà, những người già tật nguyền ngồi nhìn ra đường. Nhiều phụ nữ ngồi bệt dưới đất nói chuyện bên những đứa trẻ chơi nhảy dây. Thấy chúng tôi xuất hiện, những người phụ nữ bỏ vào nhà, đóng cửa. Chỉ còn những cụ già nhìn chúng tôi với cặp mắt dò xét.

Ông Hồ Hòa (61 tuổi, nhà D03, tổ 13), giải thích: “Bà con ở đây ngại gặp báo chí”. Ông Hòa kể, ông bị bệnh và ra ở Làng Vân từ năm 1970. Năm 2012, ông Hòa cùng dân làng vào đất liền sinh sống. Cầm số tiền nhà nước đền bù nhà cửa, ruộng vườn chưa đầy 300 triệu đồng, ông gửi vào ngân hàng để lấy lãi nuôi 2 con ăn học. Bốn người trong gia đình ông Hòa sống trong căn nhà liền kề do nhà nước xây dựng 72m². Cả gia đình ông Hòa 4 người sống nhờ đồng tiền trợ cấp của nhà nước chưa đầy 1 triệu đồng/tháng, vài trăm ngàn tiền lãi ngân hàng và tiền hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo nên cuộc sống khá chật vật.

Hỏi về cuộc sống hồi ở làng cũ so với hiện nay, ông Hòa thật thà: “Chừ vào đây đi lại thuận tiện hơn. Có điều, vào đây chẳng biết làm chi. Ngày trước còn nuôi con gà, con heo, làm sào ruộng, nay suốt ngày ngồi nhà thôi! May mà lâu lâu có các tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà”.

Chưa lạc nghiệp

Vào làng mới đã hơn 2 năm và chuẩn bị đón cái tết thứ 3 nhưng cuộc sống của người dân Làng Vân vẫn hết sức bấp bênh. Bởi lẽ, đến nơi ở mới nhưng người dân vẫn chưa thực sự “an cư” vì nhà không sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và không có công ăn việc làm.

Bà Nguyễn Thị Phú (76 tuổi) quê ở Điện Thắng (Điện Bàn, Quảng Nam) “nhập tịch” Làng Vân năm 1972. Bà Phú ra Làng Vân một mình, con cái ở lại quê cũ. Vì thế, hồi còn ở Làng Vân, đôi ba tháng bà mới về quê một lần. Nay, hàng tuần bà ra quốc lộ đón xe buýt về thăm con. Hàng tháng bà được nhận trợ cấp 900.000 đồng nhưng bà phải nuôi con trai 47 tuổi bị tâm thần. “Vào đây cái chi cũng sướng, chỉ không có đất, vườn để làm thêm kiếm sống. Mỗi tháng trông chờ trợ cấp của nhà nước và ít lãi ngân hàng cộng dồn nhưng không đủ để lo cho con. Còn căn nhà ni, vào đây ở chớ chưa có sổ đỏ chi hết. Dân tui mong có cái sổ đỏ để lỡ có khó khăn cũng cầm ngân hàng mà sống, mà lo!” - bà Phú thở than.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Tổ trưởng tổ 13, phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: Vào làng mới mọi thứ đều thuận tiện hơn. Giao thông không còn cách trở, gần bệnh viện, trường học nên đỡ vất vả hơn so với làng cũ. Nhưng về kinh tế thì khó hơn vì có làm được gì đâu. Hồi ở làng cũ, chăn nuôi, làm ruộng cũng góp phần ổn định đời sống, còn ở đây không làm được gì hết.

Theo ông Tú, vào làng mới, người già không làm gì vì bệnh tật, còn người trẻ cũng không có việc làm ổn định. Hỏi dân làng đã lo tết gì chưa, ông Tú cười buồn: “Chưa thấy gì”.

Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), 2 tổ 13 và 14 phường Hòa Hiệp Nam (thôn Hòa Vân cũ) được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định. Cụ thể, người bị tàn tật đặc biệt nặng được hỗ trợ 525.000 đồng/tháng; hộ đặc biệt nghèo không còn sức lao động được hưởng 200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ thêm 200.000 đồng/tháng, UBND quận Liên Chiểu hỗ trợ thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân trong tổ. Dịp tết  này, UBND quận Liên Chiểu vận động các đơn vị hỗ trợ quà, gạo và 200.000 đồng/người. Đến nay, đời sống của bà con tại tổ 13 và 14 đã trên chuẩn nghèo của thành phố.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục