Ngày 27-11, bà Lê Thị Nương (ấp Nà Chim, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) cho PV Báo SGGP biết, khi công trình làm đường giao thông đi ngang nhà bà thì ông Nguyễn Hữu Lý (ngụ phường 10, quận Gò Vấp, TPHCM) nói là cán bộ giám sát của Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Thăng Long (gọi tắc Công ty Thăng Long, đơn vị thi công gói thầu 26XL Dự án nâng cấp đê chống tràn kết hợp với lộ giao thông nông thôn BTCT vùng 9) thuê bà nấu ăn, vệ sinh nơi ở…
Khi bà nấu ăn được 4 tháng thì đầu năm 2017, ông Lý “mất tích” để lại nhiều nợ nần.
“Hiện ông Lý thiếu tôi có xác nhận nợ là trên 41 triệu đồng, còn khoảng 10 triệu đồng chưa ký xác nhận. Bây giờ tôi không biết ông Lý ở đâu mà đòi. Tiền tôi bỏ ra mua đồ nấu cho mấy ông làm công trình ăn là tiền vay mượn chứ bản thân tôi đâu có”, bà Nương nghẹn ngào.
Nhiều người dân trong xóm của bà Nương cũng được ông Lý thuê khuân vác làm đường cũng bị quỵt tiền.
Ông Nguyễn Châu Á (Trưởng ấp Nà Chim) bức xúc cho biết, trong những người làm thuê bị quỵt tiền có ông Đoàn Văn Vinh là hộ nghèo, các con của ông bị ảnh hưởng chất độc da cam. Bản thân ông Vinh cũng bị tật nhưng vẫn cố gắng làm thuê kiếm tiền mua gạo nhưng lại không được trả tiền.
Trường hợp ông Trần Văn Kha có triệu chứng bệnh tâm thần cũng làm thuê cho ông Lý và cũng bị quỵt tiền.
Cũng theo ông Á, thống kê bước đầu, tại địa phương có 12 người bị nợ với số tiền 128 triệu đồng.
Tương tự, nhiều người dân xã Phú Tân và Phú Mỹ (huyện Phú Tân) cũng bị chính ông Lý nợ tiền khi thuê làm công trình cống số 1 (thuộc tiểu vùng V- nam Cà Mau).
Ông Ngô Văn Tiến (ấp Láng Cháo, xã Phú Tân) bức xúc: “Khi xây dựng cống số 1 thì ông Lý làm giám sát thi công có mướn tôi và nhiều người dân địa phương làm với tiền công 200.000 đồng/ngày. Trong quá trình làm năm bảy ngày họ trả một lần, khi trả thì họ đưa một phần, còn nợ một phần. Họ nói đến khi công trình hoàn thành thì thanh toán dứt điểm.
Tuy nhiên, công trình đã hoàn thành hơn 1 năm nay nhưng phần còn lại của tôi khoảng 10 triệu đồng thì quỵt nợ luôn, số điện thoại thì không liên lạc được”.
Theo ông Tiến qua thống kê sơ bộ thì ông Lý nợ 10 người với số tiền khoảng 50 triệu đồng.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND xã Lâm Hải có mời đại diện công ty và ông Trần Văn Đức, Giám đốc Công ty Thăng Long để làm rõ vấn đề nợ nần. Tuy nhiên, ông Đức cho biết, ông Lý chỉ là người nhận giao khoán làm công trình cho công ty và công ty đã thanh toán tiền đầy đủ cho ông Lý.
Còn ông Lý thuê dân làm thì công ty “không có liên quan nên công ty không có nghĩa vụ trả nợ cho người dân”.
UBND xã Phú Mỹ (huyện Phú Tân) cho biết, đã báo cáo việc người dân làm thuê công trình cống số 1 nhưng bị nợ tiền đến cấp có thẩm quyền.
Làm việc với PV Báo SGGP, ông Lê Xuân Trọng, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần xây dựng công trình Hồng Lâm tại Cà Mau (nhà thầu thi công cống số 1) cho biết: “Ông Lý không phải là người của công ty và công ty cũng không thuê dân làm nên không có nợ tiền dân. Chúng tôi không có liên hệ được với ông Lý nên chưa biết sự việc như thế nào”.
Còn về phía người dân cho biết, khi làm, ông Lý nói là người của hai công ty trên. Nhưng do ông Lý “mất tích” nên không đối chất được.