Có thể nói, đội ngũ thầy thuốc của ngành y tế TPHCM chưa bao giờ trải qua những trạng thái tâm lý thật đặc biệt và khó tả như những ngày qua: Hồi hộp chờ và cập nhật tin tức mỗi ngày về diễn biến của dịch tại các nước trên thế giới lẫn tình hình dịch bệnh trong nước; đều mang một tâm trạng buồn khi nghe tin các đồng nghiệp tại Trung Quốc ra đi vĩnh viễn vì bị nhiễm bệnh trong quá trình tham gia phòng chống và chữa trị cho những người mắc bệnh Covid-19.
Hơn ai hết, chính đội ngũ thầy thuốc nhận thức được rằng rất cần sự bình tĩnh để triển khai hiệu quả các hoạt động phòng chống dịch. Trong một giai đoạn ngắn, nhiều hoạt động phòng chống dịch, kể cả những hoạt động lần đầu tiên được triển khai, đã nhận được sự hưởng ứng đồng bộ của cả hệ thống dự phòng và hệ thống điều trị của ngành y tế.
Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo thành phố là sự dấn thân với lòng yêu nghề, tất cả đều hướng đến người bệnh, hướng đến sức khỏe cộng đồng của cán bộ, công chức, viên chức của toàn ngành y tế thành phố và sự kết nối, chia sẻ rất hiệu quả về kinh nghiệm, nguồn lực giữa các cơ sở y tế với nhau, giữa tuyến trên và tuyến dưới, giữa hệ dự phòng và hệ điều trị.
Cũng với tinh thần dấn thân và kết nối này, trong thời gian qua, ngành y tế thành phố đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động mới, thiết thực trước yêu cầu của thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh và mong đợi của người dân.
Đó là những hoạt động đòi hỏi sự dấn thân của cán bộ y tế từ nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành y tế, từ nhiều loại hình nhân viên y tế khác nhau, như: Phát triển nhiều kỹ thuật chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, hiện đại theo hướng hội nhập quốc tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến tạo thêm nhiều tiện ích cho người bệnh, cải cách hành chính của ngành y tế, xây dựng y tế thông minh; phát triển mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh, phát triển thêm loại hình xe cấp cứu 2 bánh phù hợp với đặc điểm giao thông đô thị của địa bàn thành phố…
Đó là những hoạt động đòi hỏi sự kết nối giữa các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố với các BV quận huyện và các cơ sở chăm sóc ban đầu để hỗ trợ chuyên môn, phối hợp chăm sóc sức khỏe người dân, như: Kết nối bác sĩ của trạm y tế đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với bác sĩ chuyên khoa của BV tuyến cuối trong tư vấn chuyên môn; kết nối bác sĩ của BV quận huyện, BV tư nhân với bác sĩ chuyên khoa thuộc các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của thành phố trong cấp cứu người bệnh nguy kịch qua quy trình “báo động đỏ liên viện”; kết nối các BV thành phố, BV quận huyện với khu cách ly tập trung thuộc BV dã chiến trong luân phiên cán bộ y tế đến công tác tại BV dã chiến trong thời gian ứng phó với dịch bệnh.
Một trong những công cụ giúp cho ngành y tế tăng cường kết nối chính là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành. Trong thời gian qua, ngành y tế đã mạnh dạn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến ban đầu, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân.
Thực tế đã cho thấy, tinh thần dấn thân của nhân viên y tế và hoạt động kết nối của ngành y tế bước đầu đã làm tăng thêm giá trị của các hoạt động chăm lo sức khỏe người dân thành phố, góp phần tạo dựng niềm tin của người dân đối với ngành y tế TPHCM.